Nhà máy sản xuất máy bay C-130J Hercules tại bang Georgia (Mỹ). |
Ngày 8/12, Mỹ đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kiện Trung Quốc trợ giá ngành chế tạo máy bay trong nước, gây bất lợi cho các nhà sản xuất của Mỹ. Động thái này sẽ góp phần làm quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng căng thẳng.
Vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman khẳng định, Trung Quốc đã vi phạm các quy định thương mại quốc tế khi áp thuế 17% đối với các máy bay nhập khẩu trọng tải dưới 25 tấn, trong khi miễn thuế xuất khẩu đối với dòng máy bay sản xuất nội địa.
Theo ông Froman: “Sự phân biệt đối xử, chính sách thuế không công bằng của Trung Quốc đang tác động xấu đến các công nhân và các doanh nghiệp Mỹ ở mọi quy mô trong ngành Công nghiệp hàng không, từ các nhà cung cấp phụ tùng đến các nhà sản xuất máy bay vừa và nhỏ”. Theo Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR), điều này vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia của WTO, theo đó, các hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước phải được đối xử bình đẳng.
Ông Froman không nêu rõ nhà sản xuất máy bay nào của Mỹ bị ảnh hưởng bởi chính sách này. Ông Froman cũng cho biết, Trung Quốc cũng không công bố việc miễn thuế đối với máy bay sản xuất trong nước: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại khi Trung Quốc muốn giấu diếm chính sách thuế phân biệt đối xử này. Sự minh bạch trong pháp luật và các quy định thương mại là giá trị cốt lõi của cam kết mà các thành viên WTO, trong đó có Trung Quốc cần phải thực hiện. Bởi đó cũng là những gì mà Trung Quốc mong đợi các nước khác làm”.
Các máy bay do Trung Quốc sản xuất được hưởng miễn thuế có thể gồm cả máy bay chuyên chở khách, máy bay kinh doanh, một số máy bay nông nghiệp và máy bay khu vực như ARJ21.
Liên tục kiện cáo
Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc chủ trương đẩy mạnh phát triển ngành chế tạo máy bay để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài như Boeing, Airbus... Trung Quốc là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ ước tính, lĩnh vực hàng không Trung Quốc tăng trưởng hàng năm khoảng 19% từ nay tới năm 2020. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama lại đang muốn thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện đang chờ Quốc hội phê chuẩn, tiếp cận sâu hơn vào thị trường châu Á.
Thương mại luôn là vấn đề khó chịu giữa Mỹ và Trung Quốc bởi nền kinh tế lớn của Trung Quốc dựa nhiều vào xuất khẩu để tăng trưởng, còn Mỹ lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước này. Một số giới chức và doanh nghiệp Mỹ lâu nay vẫn phàn nàn về sự thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh đang giữ đồng NDT ở mức thấp hơn để giành ưu thế thương mại một cách không công bằng.
Hai nước liên tục có những hành động trả đũa lẫn nhau, đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào vòng xoáy của các cuộc tranh chấp thương mại. Hiện, cả hai đang theo đuổi hàng loạt vụ kiện tại WTO. Những vụ kiện này nằm trong các nỗ lực của Tổng thống Barack Obama nhằm làm giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ.
Năm 2014, Mỹ thắng hai vụ kiện với Trung Quốc tại WTO về việc áp thêm thuế không công bằng với ôtô Mỹ và một vụ khác về áp thuế và hạn ngạch đối với đất hiếm và các khoáng sản khác được sử dụng trong sản xuất các hàng hóa công nghệ cao như điện thoại di động hay turbine gió.
Ngành sản xuất máy bay Mỹ có gần 500.000 nhân viên, và là một trong những mũi nhọn trong lĩnh vực xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ. Đó là lý do Mỹ lâu nay đều nhanh chóng bảo vệ lĩnh vực này trước mọi động thái đối xử không công bằng từ các nước khác.
Theo quy định về trình tự giải quyết tranh chấp của WTO, sau khi có khiếu kiện của phía Mỹ, hai bên sẽ tiến hành tham vấn. Nếu không tìm được tiếng nói chung, WTO sẽ thành lập nhóm chuyên gia giải quyết vấn đề. Phía Mỹ đã tuyên bố, nếu không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc trong cuộc tham vấn, Mỹ sẽ có các biện pháp tiếp theo để giải quyết tranh chấp trong vấn đề thuế máy bay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận