Hồ sơ tài liệu

Lo ngại chiến dịch chống ma tuý, Mỹ dừng bán súng cho Philippines

01/11/2016, 15:05
image

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đình chỉ thương vụ bán khoảng 26.000 khẩu súng trường cho cảnh sát Philippines, theo Reuters ngày 1/11

download

Một nhân viên lực lượng Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) mang súng trong một vụ việc ở ga tàu điện ngầm Manila hồi tháng 8 năm nay (Ảnh: Reuters)

Nguyên do là do giới nghị sĩ Mỹ phản đối vấn đề này. Phụ tá của Thượng nghị sĩ Ben Cardin (quan chức cấp cao của đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện) cho biết, ông không ủng hộ thương vụ vũ khí này do lo ngại trong các chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của lực lượng an ninh Philippines có thể xảy ra các hành vi vi phạm nhân quyền.

Quan hệ giữa Mỹ và đồng minh truyền thống Philippines thời gian gần đây đã trở nên phức tạp sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phản ứng tức giận trước việc Washington chỉ trích chiến dịch truy quét do ông phát động nhằm vào nạn buôn bán ma túy trái phép ở nước này.

Xem video Hoa hậu trái đất Philippines hứng gạch vì ví ông Duterte với Hitler:

Ông Duterte tuyên bố muốn theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập chứ không nhất thiết đi theo chính sách đối ngoại của Mỹ.

Theo số liệu thống kê của cảnh sát Philippines, hơn 3.300 nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy đã bị tiêu diệt kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức ngày 30/6 vừa qua. Cảnh sát đã tiến hành gần 19.000 chiến dịch truy lùng tội phạm ma túy và bắt giữ hơn 18.000 nghi can. Ngoài ra, hơn 700.000 nghi can đã ra đầu thú.

Chiến dịch truy quét và trấn áp tội phạm ma túy của chính quyền Philippines đang nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Một cuộc thăm dò dư luận độc lập công bố một tháng trước, tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Duterte trong 90 ngày đầu nhiệm kỳ lãnh đạo ở mức "rất cao", cho thấy sự ủng hộ của người dân đối với chính sách cứng rắn của ông trong cuộc chiến chống tội phạm.

Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây cho rằng việc nhà chức trách cho phép nổ súng tiêu diệt các đối tượng tình nghi buôn bán ma túy là vi phạm nhân quyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.