Bến xe Yên Sở nằm trên đường vành đai 3, cách bến xe Nước Ngầm hơn 1km - Đồ họa: Nguyễn Tường |
Việc TP Hà Nội cấp phép đầu tư xây dựng bến xe Yên Sở theo hình thức xã hội hóa, nằm trên đường vành đai 3 và cách bến xe Nước Ngầm chỉ hơn 1km không chỉ ngược với quan điểm di chuyển bến xe ra khu vực vành đai 4 mà còn gây nhiều lo ngại về ùn tắc giao thông...
Ngược đồ án quy hoạch bến xe?
Trong báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội có đề cập đến đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trung tâm đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, các bến xe khách liên tỉnh được đưa ra khỏi vành đai 3 và bố trí tại khu vực các trục đường hướng tâm giao với vành đai 4. Trong đó, bến xe Gia Lâm và Giáp Bát sẽ di chuyển sau năm 2020, bến xe Mỹ Đình và Nước Ngầm di chuyển sau năm 2025. Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ chuyển về bến xe Ngọc Hồi (bến xe phía Nam).
Chủ trương và đồ án quy hoạch đều rất rõ ràng, tuy nhiên, gần đây Hà Nội lại bất ngờ cấp phép đầu tư xây dựng bến xe Yên Sở theo hình thức xã hội hóa với diện tích khoảng 3,2ha (cạnh công viên Yên Sở, quận Hoàng Mai) có mặt tiền trên đường vành đai 3 và chỉ cách bến xe Nước Ngầm hơn 1km, nằm ngay bên đường gom vành đai 3. Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội hiện có 2 bến xe khách lớn là Giáp Bát và Nước Ngầm. Những khu vực này thu hút hàng trăm lượt xe ra vào mỗi ngày, gây áp lực lớn lên giao thông. Hàng ngày, để đảm bảo ATGT cho khu vực các bến xe, lực lượng chức năng phải “căng sức” phân luồng, xử lý vi phạm.
Theo thiết kế được duyệt, bến xe Yên Sở được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, có 4 tầng (3 nổi, 1 ngầm). Trong đó, tầng ngầm rộng khoảng 5.000m2 được dùng làm gara trông giữ xe cho hành khách. Các khu vực: Trả khách; đón khách; xe đỗ chờ; phòng chờ lên xe; bán vé;… sẽ được thiết lập riêng biệt như tại các sân bay. Chủ đầu tư sẽ thu phí xe ra vào bến, kinh doanh ăn uống, thương mại để hoàn vốn. |
Theo tìm hiểu của PV, khu vực đường quy hoạch xây bến xe Yên Sở chỉ là đường gom của đường vành đai 3. Đây là tuyến đường nối giữa nút giao Pháp Vân đến cầu Thanh Trì, mật độ giao thông rất lớn, không thuận tiện cho việc xây dựng bến xe. Đặc biệt, khu vực nút giao Pháp Vân và cầu Thanh Trì là hai điểm nóng của TP Hà Nội về ùn tắc giao thông, nên việc xây bến xe Yên Sở sẽ tạo thêm áp lực giao thông trong khu vực.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Phòng Tổ chức - Tài chính (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, theo quyết định đầu tư của UBND TP Hà Nội, bến xe Yên Sở sẽ thu hút cả xe khách và xe tải. Công suất khai thác xe khách tuyến cố định 800-1.000 lượt xe/ngày, đêm (giai đoạn đầu khai thác 400 lượt xe/ngày, đêm); công suất xe tải khoảng 200 lượt xe/ngày, đêm. Bến xe Yên Sở xây dựng trong giai đoạn 2017-2020 sẽ hỗ trợ cho bến xe Giáp Bát.
Đại diện Phòng Tổ chức - Tài chính cũng cho rằng, việc triển khai bến xe Yên Sở được thực hiện để đảm bảo giải toả ách tắc giao thông khu vực vành đai và giải toả các bến xe lân cận như bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát. Hiện nay các bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm đều đang nằm tại vị trí phía trước cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Lượng xe khách từ các bến này dồn ứ trên đường Giải Phóng, Pháp Vân, Hoàng Mai… dẫn đến hạn chế khả năng lưu thông qua cửa ngõ. Khi bến xe Yên Sở xây dựng xong, một lượng lớn xe khách liên tỉnh sẽ được đưa ra vị trí phía sau cửa ngõ, giảm áp lực từ hướng nội thành lưu thông ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Thanh Trì, QL5…
Nút giao Pháp Vân với mật độ giao thông lớn nên sẽ thường xuyên ùn tắc nếu có thêm bến xe Yên Sở - Ảnh: Khánh Linh |
Chuyên gia, doanh nghiệp vận tải lo ngại
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, quy hoạch các bến xe Thủ đô hiện nay đi ngược với thế giới, đặc biệt là các nước ở châu Âu (bến xe, nhà ga, metro, xe buýt đều tập trung ở một khu đầu mối trong nội đô).
Theo TS. Thủy, bến xe phải là nơi thuận tiện giao thông đi lại, đảm bảo đi lại an toàn và không gây ùn tắc giao thông. Khu vực cửa ngõ phía Nam nếu có thêm bến xe Yên Sở sẽ dẫn tới 3 bến xe quá gần nhau. Điều này không những không giải tỏa được ách tắc mà còn khiến áp lực giao thông khu vực này tăng thêm. Chưa nói khu vực đường vành đai 3 Yên Sở chỉ là đường gom nên việc xây bến xe ở đây là không hợp lý.
“Trong tờ trình của Sở GTVT và trong báo cáo UBND thành phố gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội đều xác định đây là bến xe trong giai đoạn quá độ, chuyển tiếp giữa các bến hiện có và bến xe quy hoạch mới. Tuy nhiên, bến lại được Hà Nội cấp phép cho hoạt động 50 năm, trong khi các bến khác đang hoạt động lại cho chuyển đi. Điều này rõ ràng không hợp lý và thiếu nhất quán”, TS. Thủy đặt vấn đề.
TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội cũng cho rằng, khi thấy bất cập trong quy hoạch bến xe, Hà Nội đã loại khỏi quy hoạch 2 bến xe khách trung hạn khác nằm trong nội đô (tương tự bến xe Yên Sở), gồm bến xe Xuân Phương và Vân Trì. Năm 2013, Sở GTVT Hà Nội cũng từng đề xuất xây dựng thêm bến xe khách Khuyến Lương (Hoàng Mai), cách bến xe Yên Sở khoảng 2km, cùng nằm trên đường vành đai 3. Trước đó, bến xe tạm Pháp Vân cũng được đề xuất xây dựng, nhưng tất cả phải dừng lại vì không hợp lý, nguy cơ thêm ùn tắc giao thông. Mới đây, Hà Nội cũng chuyển bến xe Lương Yên vì nằm trong nội đô.
Vị trí đất Hà Nội sẽ xây dựng bến xe Yên Sở |
“Theo Quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực vành đai 4. Nhưng Hà Nội lại xây thêm bến xe Yên Sở trong khu vực nội đô, lọt giữa khu dân cư, ngay điểm đen về ùn tắc giao thông rõ ràng không hợp lý”, ông Nghiêm nói.
Về quy hoạch, theo TS. Nghiêm, dù bến xe Yên Sở có trong quy hoạch, nhưng nếu không phù hợp thực tế pháp luật đều cho phép chỉnh sửa. “Chúng ta đã có quy hoạch, tầm nhìn đưa bến xe khách liên tỉnh ra khu vực vành đai 4. Nội đô nên đầu tư vận tải công cộng, bãi đỗ xe tĩnh, những thứ Hà Nội đang rất thiếu. Không nên làm bến xe liên tỉnh ở khu vực vành đai 3”, ông Nghiêm đề xuất.
Việc xây dựng bến xe Yên Sở cũng khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn. Một DN vận tải chạy tuyến Ninh Bình - Giáp Bát cho rằng, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng bến xe Ngọc Hồi để chuyển bến xe Giáp Bát và sau này là bến xe Nước Ngầm xuống, còn xây bến xe Yên Sở làm gì. “Chúng tôi muốn ổn định để khách quen bến. Nhưng vừa qua TP điều chuyển các tuyến phía Nam từ Mỹ Đình về Giáp Bát, Nước Ngầm đã khiến nhiều DN phải phá sản vì xe không có khách. Nếu sắp tới lại tiếp tục điều chuyển về Yên Sở, thực sự doanh nghiệp vận tải không sống nổi. Có chăng phải phá sản hoặc chuyển sang mô hình kinh doanh xe hợp đồng du lịch không cần bến xe”, vị này thẳng thắn bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận