Tác nhân truyền bệnh sốt rét là muỗi cũng kháng hóa chất |
Theo PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, sốt rét là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lưu hành thường xuyên tại Việt Nam. Hiện toàn quốc có 15 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành, nhiều trường hợp mắc sốt rét khi xuất khẩu lao động tại vùng có bệnh lưu hành.
Trong khi đó, việc phòng chống sốt rét còn rất nhiều khó khăn do dân số sống trong vùng sốt rét lưu hành cao, chủ yếu là người nghèo, người dân tộc thiểu sổ... sống di cư ở vùng núi, vùng sâu vùng xa. Tác nhân truyền bệnh sốt rét là muỗi cũng kháng hóa chất nên biện pháp phòng muỗi đốt bằng phun hóa chất không mang lại hiệu quả cao.
Ông Dương cũng cho hay: “Việc giao lưu dân cư qua biên giới giữa các nước gia tăng, đặc biệt là Lào, Camphuchia, các nước châu Phi nơi có sốt rét lưu hành cao và có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc làm tăng nguy cơ về dịch bệnh. Có địa phương 80% các ca mắc sốt rét là người lao động từ Lào về. Nhiều người Việt Nam mắc sốt rét khi đi lao động tại các nước Châu Phi nơi có sốt rét lưu hành cao và có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc".
Theo đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB-XH, Angola là quốc gia lưu hành sốt rét và có khoảng 3,5 vạn người Việt Nam sang lao động và sẽ là nguồn bệnh tiềm năng khi họ trở lại về Việt Nam.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế bày tỏ lo ngại về nguy cơ bùng phát sốt rét, gia tăng số mắc, số chết bởi tình trạng kháng thuốc trên bệnh nhân, trên muỗi truyền bệnh và sự di biến động dân cư giữa các địa phương, giữa các nước là rất lớn. Trong khi đó muỗi sốt rét tích tụ ở nhiều vùng, tỷ lệ người mang ký sinh trùng sốt rét gia tăng và nguy cơ bùng phát dịch sốt rét ở nhiều địa phương.
Việt Nam trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 30.000 trường hợp mắc sốt rét, trong đó hơn 100 ca sốt rét ác tính và tử vong. Hiện đã ghi nhận 6 tỉnh có sốt rét kháng thuốc gồm Bình Phước, Gia Lai, Quảng Nam, Cao Bằng, Sơn La, Khánh Hòa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận