Liên quan đến việc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) thiếu hụt dòng tiền, không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính, có nguy cơ dừng hoạt động. Điều này khiến các doanh nghiệp xăng dầu lo lắng kịch bản đóng cửa hàng vì thiếu xăng dầu sẽ lại tiếp diễn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một đại diện truyền thông của NSRP cho biết, vấn đề tái cấu trúc tài chính được doanh nghiệp đề cập từ lâu, nhiều năm nay. Tuy nhiên, những thỏa thuận của các bên liên quan như NSRP, Bộ Công thương, bên cho vay và bên đầu tư hiện là vấn đề bảo mật và đang được thảo luận, đàm phán.
Theo vị này, hiện nay, nhà máy vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo 100% công suất. Tuy nhiên, dự kiến đến tháng 8/2023, nhà máy sẽ bảo dưỡng ít nhất 55 ngày.
NSRP do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 25,1% vốn, Công ty Dầu hỏa Kuwait Quốc tế (KPI) nắm 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan (IKC) nắm 35,1% vốn và Công ty Hóa chất Mitsui (MCI) nắm 4,7% vốn
"Đây là hoạt động bảo dưỡng tổng thể, công ty đã và đang chuẩn bị nguồn lực để thực hiện", vị đại diện truyền thông cho biết.
NSRP là đơn vị cung cấp lượng lớn xăng, dầu cho thị trường trong nước. Do vậy, mỗi lần nhà máy này xảy ra các sự cố kỹ thuật, tài chính… khiến công suất cắt giảm lại gây ra những xáo trộn tới thị trường xăng dầu trong nước.
Đơn cử hồi tháng 1/2023, do sự cố kỹ thuật, NSRP đã phải cắt giảm sản lượng, gây ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu, gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình điều hành thị trường xăng dầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) đánh giá: Nếu hoạt động sản xuất của NSRP có biến động như "cảnh báo" của doanh nghiệp này thì nguồn cung xăng dầu trong nước có thể bị ảnh hưởng trong quý II/2023.
Do đó, theo ông Ngô Trí Long, giải pháp tình thế trước mắt là phải tăng nhập khẩu để bù khoản thiếu hụt. Các bộ quản lý phải ngồi lại sớm để bàn tính chuyện này.
Về việc NSRP bảo dưỡng, phía đại diện truyền thông cho biết, đã báo cáo Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Trước đó, NSRP đã có báo cáo khẩn kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Công thương, chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trước rủi ro dừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính.
Cụ thể, theo báo cáo, nếu không thể tái cấu trúc tài chính thành công, NSRP cho rằng sẽ không thể vừa thanh toán kỳ trả nợ vay đến hạn vào tháng 5 cho các bên cho vay, cũng như có đủ dòng tiền để tiếp tục vận hành nhà máy.
Trường hợp giả định khi không có tái cấu trúc tài chính, NSRP sẽ phải trả 375 triệu USD vào tháng 5 và 277 triệu USD vào tháng 11. Điều này đồng nghĩa với việc NSRP sẽ phải tạm dừng hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các bên góp vốn.
NSRP là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008, tổng mức đầu tư hơn 9,2 tỷ USD, quy mô 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm.
Các thành viên liên doanh gồm Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PVN góp vốn 25,1%.
Nhà máy này không dùng dầu thô trong nước để lọc mà ngay từ đầu nhà máy này được thiết kế cho hỗn hợp dầu Kuwait, có tỷ trọng API khoảng 31 và hàm lượng lưu huỳnh 2,52 - tức là dầu chua nặng trung bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận