Sau nhiều năm hưởng ưu đãi lớn, Toyota đang định ngưng sản xuất xe tại Việt Nam - Ảnh: Thanh Hải |
“Không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kinh tế VN vẫn phát triển nhưng không thể tốt như hôm nay”, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định. Nhưng nhìn từ câu chuyện Toyota VN (TMV) sau nhiều năm hưởng ưu đãi lớn, nay đang cân nhắc ngưng sản xuất ôtô tại Việt Nam để nhập khẩu hoàn toàn, thì mới thấm: Đầu tư FDI không chỉ toàn cái được.
DN FDI ngưng sản xuất để nhập khẩu
Theo thông tin trên báo chí, tại cuộc họp công bố kế hoạch kinh doanh năm 2015 mới đây, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV), ông Yoshihisa Maruta cho biết, TMV đang cân nhắc ngưng sản xuất ôtô tại VN, chỉ nhập khẩu hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ ASEAN. Bởi theo lộ trình, đến 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ còn 0%.
Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, điều này là bất thường bởi TMV là một doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào VN để sản xuất và lắp ráp ô tô. “Các DN FDI không thể cứ thích là ngưng sản xuất, chuyển sang nhập khẩu đơn thuần. Còn nếu muốn nhập khẩu đơn thuần thì không thể được hưởng các ưu đãi hiện có”, GS. TS Nguyễn Mại đánh giá.
Tính đến hết quý I/2015, có 267 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 1,2 tỷ USD. Dự báo năm 2015, vốn đăng ký FDI khoảng 18 tỷ USD. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài |
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Mại, tuyên bố của Toyota VN là vấn đề rất đáng lưu tâm đối với các nhà hoạch định chính sách và quản lý kinh tế vĩ mô bởi, không chỉ ở lĩnh vực ô tô, mà các ngành nghề khác, nếu chúng ta không có chính sách tốt, thì khi thực hiện các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), các DN FDI có khả năng chuyển sang nhập khẩu thay vì lắp ráp, sản xuất sẽ rất lớn. “Điều này sẽ khiến VN mất đi nhiều cơ hội xây dựng nền công nghiệp của nhiều lĩnh vực. Chiến lược thu hút FDI của VN, sự quản lý làm sao để DN FDI không đi chệch cam kết đầu tư ban đầu cần xem xét, điều chỉnh”, ông Mại nói.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, vì vậy dưới góc độ quản lý nhà nước, cần sự hỗ trợ đầu tư, quản lý đầu tư để DN nước ngoài đi đúng hành lang. “Quản lý không phải săm soi, gây khó dễ cho DN mà hỗ trợ bằng chính sách, tháo gỡ khó khăn của các cơ quan, các cấp, các địa phương”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Vẫn còn “khoảng tối” FDI
Ngày 9/4, tại hội thảo “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kinh tế Việt Nam”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, riêng đóng góp vào ngân sách của khối doanh nghiệp FDI năm 2014 đã lên đến 14,3%, tăng mạnh so với mức 5,2% của năm 2000. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp này còn nhỏ so với những ưu đãi được hưởng.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, đến nay hoạt động FDI tại VN vẫn còn những tồn tại, như công nghệ tiên tiến còn ít, DN FDI chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên, DN FDI tập trung ở các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ... đều cần vốn lớn nhưng mức độ lan tỏa công nghệ thấp. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào ở các địa phương có lợi thế về hạ tầng và nhân lực, nhưng lại chiếm thế độc quyền trong một số ngành, lĩnh vực.
“Sau một số năm lỗ “kế hoạch” và được hưởng ưu đãi theo lộ trình thì DN FDI đã chiếm thế độc quyền như ngành nước có gas, chất tẩy rửa, thức ăn gia súc... và một số doanh nghiệp có khả năng kiểm soát ngành đã làm méo mó thị trường”, ông Hoàng nói.
Ngoài ra, chuyển giá và trốn thuế đang là vấn đề tồn tại ở các DN FDI. 20-30% DN FDI khai lỗ liên tiếp trong 2-3 năm, thậm chí là 5 năm; có hiện tượng kê khai chi phí đầu vào tăng cao để báo lỗ. Hiệp hội Chăn nuôi cho biết, hiện cả nước có 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có 180 nhà máy của DN trong nước, 59 nhà máy của DN FDI. Các DN FDI trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi có số lượng ít hơn, nhưng công suất lớn, sản lương cao và có hiện tượng đẩy giá, làm giá trong nước cao hơn 20% so với khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận