Thời sự Quốc tế

Lo sợ Nga cắt nguồn cung, Mỹ rốt ráo tìm phương án thay thế cho châu Âu

Mỹ đang thảo luận với các công ty và quốc gia sản xuất khí đốt lớn để tìm nguồn cung dự phòng cho châu Âu trong trường hợp Nga cắt nguồn cung.

Trả lời phóng viên ngày 25/1, các quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết “để đảm bảo châu Âu vượt qua mùa đông và mùa xuân, Mỹ đang chuẩn bị các nguồn cung thay thế, bù đắp phần lớn khả năng thiếu hụt năng lượng”.

Tuy không nêu cụ thể các quốc gia hay công ty mà phía Mỹ đang bàn bạc để đảm bảo nguồn khí đốt cung cấp cho châu Âu không bị gián đoạn trong khoảng thời gian còn lại của mùa đông, các quan chức Mỹ cho biết họ đang liên hệ với lượng lớn các nhà cung cấp đa dạng, bao gồm các công ty xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

img

Một trạm xử lý khí đốt tại thủ đô Moscow, Nga. Ảnh - TASS

“Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn cung khí đốt tự nhiên ngoài Nga từ nhiều khu vực trên thế giới, như từ Bắc Phi cho tới Trung Đông, châu Á và Mỹ”, vị quan chức cấp cao giấu tên cho hay.

“Chúng tôi đang thảo luận với các nhà sản xuất khí tự nhiên lớn trên thế giới để tìm hiểu về khả năng cung cấp cũng như việc họ có sẵn sàng tăng tạm thời lượng khí đốt tự nhiên cho các đơn vị tại châu Âu”.

Hồi đầu tháng, hãng tin Reuters đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ đang lập kế hoạch dự phòng với các công ty năng lượng nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định cho châu Âu trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị gián đoạn liên quan tới căng thẳng giữa phương Tây và Nga trong vấn đề Ukraine.

Tuy nhiên, kế hoạch tìm nguồn cung thay thế của Mỹ gặp trở ngại bởi thực tế các công ty cung cấp LNG được giới chức Mỹ liên hệ cho biết nguồn cung khí đốt toàn cầu đang khá hạn chế và khó có khả năng đáp ứng lượng lớn khí đốt thiếu hụt nếu Nga cắt nguồn cung.

Hiện tại, ⅓ nguồn cung khí đốt cho Liên minh châu Âu đều đến từ Nga. Do đó, việc gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga có thể khiến tình trạng khủng hoảng năng lượng đang xảy ra tại châu Âu thêm trầm trọng. Một số quốc gia châu Âu đã ghi nhận tình trạng hóa đơn tiêu thụ năng lượng của người dân tăng cao do giá khí đốt "phi mã" vì thiếu nguồn cung.

Trước đây, Nga thường cung cấp 40 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho châu Âu thông qua đường ống trung chuyển tại Ukraine, nhưng hiện đã giảm một nửa lượng khí đốt chảy qua đường ống này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.