Xã hội

Lo Tết giúp dân vùng lũ

15/01/2017, 07:16
image

Nhà sập, tài sản bị cuốn trôi… Nhiều hộ dân vùng rốn lũ Bình Định canh cánh nỗi lo mất Tết.

32

Căn nhà anh Nguyễn Văn Hùng tan hoang sau lũ, chỉ còn lại gạch đá

Giăng bạt ở tạm gần chuồng bò

Đường vào xã Phước Hiệp (Tuy Phước, Bình Định) vẫn nhầy nhụa những lớp bùn non còn đọng lại sau cơn lũ dữ gần tháng trước. Nước rút, cả xã nghèo thêm tan hoang. Không ít ngôi nhà bị nước lũ cuốn sập, hủy hoại tài sản. Chị Thái Thị Kim Chung (35 tuổi, trú thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp) cố gắng nhặt nhạnh, rọc lớp vôi vữa bám trên từng viên gạch bờ tường bị sụp đổ để “tái sử dụng”. Căn nhà cấp 4 mới đang được dựng lại trên nền nhà bị lũ cuốn sập giữa tháng 12/2016 vừa qua. Dáng chị Chung gầy rộc, thêm héo hon vì những lo toan ổn định cuộc sống thường ngày. “Chỉ mong nhà sớm lợp tạm lại, có chỗ mà chui ra chui vô. Ở tạm cạnh chuồng bò hôi lắm. Tội mấy đứa nhỏ chẳng ngủ được, ngồi học thì bị muỗi cắn đến tím chân”, chị Chung ái ngại và cho biết, thợ xây vẫn đang tất bật tô trát bờ tường. Dự kiến, cận Tết nhà mới lợp tạm mái. “Nước vào nhanh quá, cả 4 người trong nhà chỉ kịp lao ra ngoài thoát thân. Một số vật dụng điện tử bị hư hết. Ngay cả sách vở của hai đứa nhỏ cũng bị cuốn trôi, bấy nát. Giờ vẫn chưa có sách mới để học”, chị Chung nói.

Còn nhớ cuối tháng 12/2016, đoàn công tác của Báo Giao thông phối hợp với các mạnh thường quân trao tặng quà cho bà con vùng lũ Phước Hiệp, chị Chung là một trong 3 hộ nhà sập có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được “đặc cách” trao 2 triệu đồng/suất tiền mặt từ sự đóng góp của Đoàn Thanh niên Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN). Nhận tiền, tay chị Chung run run, mắt ngấn lệ. “Đã nghèo giờ thêm kiệt quệ, món quà như sự khích lệ tinh thần rất lớn, kịp thời hỗ trợ 4 nhân khẩu trong lúc cùng quẫn”, chị Chung nói. Lãnh đạo UBND xã Phước Hiệp cũng trao đổi: Lũ dữ lịch sử khiến hàng trăm hộ dân trên địa bàn bị thiệt hại, nhiều nhà sập, tài sản cuốn trôi, hoa màu hư hại…

Xem thêm video:

Để vùng rốn lũ không đón Tết buồn

Trưa nắng gắt, con đường dẫn vào thôn Lộc Trung (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) khô ráo hơn. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lựu (51 tuổi) cẩn thận kéo tấm bạt mỏng đã cũ kĩ che lại phần hông căn lều mới dựng tạm cách đây mấy hôm. Vẫn còn thất thần vì mất nhà do lũ, bà Lựu kể, tối 15/12/2016, đợt lũ dữ tràn về ngập vào nhà bà gần 1,5m. Lúc đó, vợ chồng bà Lựu cùng hai đứa cháu nội chạy sang nhà hàng xóm cao hơn để tránh trú.

“Mấy hôm nay, gia đình tôi dùng tre dựng tạm căn lều để có chỗ tránh nắng tránh mưa. Cả bàn thờ, bếp núc giờ chất chung một chỗ. Ngày nắng không sao chứ hôm mưa nhỏ đã dột tứ tán. Nhà bếp mới xây xong còn nguyên sau lũ thì dùng làm chỗ ngủ. Bên ngoài kê cái giường chất đống quần áo, chăn màn còn sót lại”, bà Lựu nói.

Tặng quà TẾT giúp dân vùng lũ

Nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, mất mát giúp người dân vùng lũ Bình Định ổn định đón Tết, dịp Tết Đinh Dậu 2017, Báo Giao thông phối hợp với các mạnh thường quân tổ chức hỗ trợ sẻ chia khó khăn với khoảng 600 hộ vùng thiên tai trên địa bàn hai xã Phước Sơn và Cát Chánh, với tổng giá trị các phần quà hỗ trợ các hộ dân tương ứng khoảng 150 triệu đồng. Trước đó, ngày 30/12/2016, đoàn Báo Giao thông và mạnh thường quân đến trao 100 suất quà, 50 bộ quần áo. Ông Võ Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh cho biết: Xã có 30 nhà bị sập, 1 người chết, hoa màu, ruộng đồng bị hư hỏng, sa bồi. Kéo theo hàng trăm hộ dân bị kiệt quệ về kinh tế, tài sản và mất Tết Âm lịch sắp tới.

Tại xã Cát Chánh (huyện Phù Cát, Bình Định), lũ lịch sử cũng khiến ngôi nhà của anh Trần Thanh Hải (SN 1979) tan hoang. Suốt mấy tuần nay, hai vợ chồng anh Hải cùng hai đứa con phải ở chung trong căn nhà 40m2 cũng đã xuống cấp của cha ruột là ông Trần Thiết. Lúc chúng tôi đến nhà, vợ chồng anh Hải đang chạy khắp xã tìm người quen vay mượn tiền cất lại nhà. Ông Thiết cho biết, khoảng 1h sáng 19/12/2016, lũ dữ tràn về kèm gió lớn khiến nhà của vợ chồng anh Hải đổ sập.

“Hồi thằng Hải cưới vợ (năm 2000 - PV) có được ít tiền, rồi vợ chồng tôi cho nó thêm để cất cái nhà. Giờ nhà sập rồi phải đi vay mượn mà cất lại cái khác cho ổn định còn làm ăn. Vợ chồng nó đều làm phụ hồ, mưu sinh qua ngày lấy đâu ra mà dư giả. Sắp đến Tết mà ai cũng buồn, chẳng dám đoái hoài”, ông Thiết nói. Ngay cả đàn gà nuôi bán vụ Tết cũng bị lũ cuốn trôi khiến nỗi lo đón Tết của vợ chồng ông Thiết cùng con cháu thêm ái ngại.

Cách nhà ông Thiết không xa, ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Hùng (49 tuổi) cũng tan hoang sau lũ. Dưới nền nhà cũ không còn gì ngoài ngổn ngang gạch và đá hộc sau trận lũ kinh hoàng hồi giữa tháng 12/2016. Mất nhà, vợ chồng anh Hùng dựng bốn gốc tre, che thêm tấm bạt làm lều ở ban ngày. Tối thì sang nhà hàng xóm ở nhờ.

“Cả hai vợ chồng đều làm nông, kinh tế cũng chẳng khấm khá gì. Đứa con lớn mới đi làm phụ giúp ba mẹ nuôi các em ăn học được vài tháng thì giờ lâm bệnh tật phải nằm viện chạy chữa thường xuyên. Giờ lo cất lại nhà, rồi lo con cái ăn học, bệnh tật đến kiệt sức mất. Tết này tôi tính kê bàn ghế dưới mái bạt này tiếp khách cho qua cái lễ, ra Giêng vay mượn, mua nợ vật liệu xây nhà rồi làm trả dần chứ chẳng biết tính sao nữa”, anh Hùng bộc bạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.