Y tế

Lo thái quá về đột quỵ dễ mất tiền oan...

30/09/2023, 07:06

Bệnh đột quỵ được ví như “sát thủ của thời hiện đại”, do vậy dịch vụ tầm soát cũng nở rộ. Tuy nhiên, chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người cần hiểu đúng về tầm soát đột quỵ để không bị mất tiền oan.

Muôn kiểu tầm soát đột quỵ

Hai tháng trước, người mẹ 68 tuổi của chị Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội) nhập viện cấp cứu vì đột quỵ do xuất huyết não.

"Mẹ tôi vốn có căn bệnh cao huyết áp và tiểu đường. Dù dùng thuốc đều đặn nhưng bà bất ngờ đột quỵ. Bác sĩ nói, may mắn nhập viện vẫn trong khoảng thời gian vàng nên việc điều trị còn hiệu quả. Tuy nhiên, do bà mang trong người nhiều bệnh mạn tính nên khả năng phục hồi khá chậm", chị Huyền cho biết.

photo-1695951870194

Một bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Sau đó, chị đôn đáo hỏi thăm về các gói dịch vụ tầm soát đột quỵ cho cả gia đình. Chị chia sẻ: "Bố tôi sức khỏe tốt, chưa phải dùng bất kỳ loại thuốc nào dù đã 70 tuổi. Nhưng tôi muốn đưa ông đi tầm soát sớm cho yên tâm, cả vợ chồng tôi và cậu em trai cũng làm luôn một thể".

Nhưng càng tìm hiểu, chị Huyền càng băn khoăn không biết nên lựa chọn tầm soát tại đâu, theo phương thức nào là phù hợp.

Theo chị Huyền, các đơn vị giới thiệu rất nhiều gói sàng lọc, tầm soát, mỗi nơi xây dựng danh mục kỹ thuật và giá thành khác nhau. Trong đó, phổ biến chia thành một số gói cơ bản như gói nâng cao, giúp phát hiện những bất thường chuyên sâu hơn để phòng ngừa; Gói tầm soát chuyên sâu giúp phát hiện những nguy cơ hiếm gặp. Giá ở các bệnh viện tư đắt hơn viện công nhưng được giới thiệu sử dụng các thiết bị chiếu chụp hiện đại hơn.

Qua khảo sát nhanh một số bệnh viện, kỹ thuật của các gói tầm soát thường là chụp MRI não, MRI mạch máu não, chụp mạch cảnh, CT-scan, siêu âm mạch máu, điện tim, đo chỉ số ABI, TBI, chụp soi đáy mắt, xét nghiệm máu, định lượng cholesterol toàn phần, đánh giá chức năng gan, thận, hô hấp, đái tháo đường… Tùy vào kỹ thuật trong mỗi gói mà giá xê dịch từ 2,5 - 11,5 triệu đồng.

Thậm chí đơn vị G có giới thiệu gói dịch vụ G-stroke xét nghiệm gene để phát hiện nguy cơ đột quỵ di truyền, nguy cơ tái đột quỵ (nếu có) với giá 3,5 triệu đồng/người. Với dịch vụ này, chỉ cần thu mẫu nước bọt, cho chạy máy và chờ báo cáo giải mã gene, áp dụng cho mọi lứa tuổi.

Ai cần tầm soát đột quỵ?

Theo PGS. TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, đột quỵ là nguyên nhân tử vong chỉ sau tim mạch và ung thư tại Việt Nam. Bệnh để lại di chứng nặng nề cho những người sống sót. Tuy nhiên, cần hiểu đúng về tầm soát đột quỵ để tránh lãng phí, tốn kém không cần thiết.

"Việc chụp MRI sọ não trên người hoàn toàn bình thường để sàng lọc đột quỵ là không cần thiết. Chiếu chụp hay xét nghiệm gene tầm soát đột quỵ với chi phí lớn nhưng hiệu quả cũng rõ ràng", ông Thắng chia sẻ.

Ông Thắng cũng thông tin thêm, tầm soát đột quỵ chỉ nên hướng tới việc tìm các yếu tố nguy cơ có thể người bệnh không phát hiện trước đó. Ví dụ, tăng huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol máu, hút thuốc lá hoặc sử dụng chất gây nghiện, béo phì… từ đó tư vấn người bệnh phòng ngừa đột quỵ.

Việc tầm soát yếu tố nguy cơ cơ bản bằng các xét nghiệm đơn giản, không tốn kém nhiều nhưng mang lại hiệu quả, thay vì đi chụp MRI, CT-scan đắt như quảng cáo hiện nay.

Cùng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Hoài Nam, nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM lưu ý, những người trên 50 tuổi, béo phì, bệnh nhân mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… hoặc người trẻ khi xuất hiện những cơn đau đầu với tần suất thường xuyên, hay những cơn thiếu máu thoáng qua, kèm thói quen hút thuốc lá, uống bia rượu thì nên tầm soát ở các cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh hoặc đột quỵ.

"Đột quỵ có thể dự phòng được bằng cách thay đổi lối sống, sinh hoạt hàng ngày khoa học, giảm cân, tập thể dục, không thuốc lá, bia rượu… đặc biệt lưu ý đến chỉ số huyết áp. Khi phòng ngừa sớm, nguy cơ xảy ra đột quỵ sẽ thấp đi rất nhiều. Nếu để đột quỵ xảy ra, tỷ lệ thành công tối đa cũng chỉ đạt 50%. Do đó, cần chú trọng phòng ngừa", ông Thắng khuyến cáo.

Phần lớn người bị đột quỵ do tăng huyết áp

Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm ghi nhận 200.000 ca đột quỵ, khoảng 50% ca tử vong, nhiều người sống sót phải sống chung với các di chứng về thần kinh, vận động...

Trong khi đó, theo một công bố nghiên cứu đa trung tâm về tình hình đột quỵ tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc từ Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và phía Bắc, có tới có 78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp.

Kết quả này cũng cho thấy, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2% và tỉ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ.

Về phân loại đột quỵ, nhồi máu não là 76%, chảy máu não là 24%. Đáng lưu ý đột quỵ ở người trẻ dưới 45 tuổi thì tỷ lệ nhồi máu não là 50%, còn lại là chảy máu não. Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu còn thấp, khoảng 33%, làm giảm cơ hội điều trị khỏi, phục hồi cho bệnh nhân.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.