Quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đạt 20,5 tỷ USD
Tại tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử" diễn ra ngày 23/9, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, TMĐT Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% một năm.
"Cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023 đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025", bà Lan dẫn chứng.
Sự phát triển mạnh mẽ này, giúp tăng hiệu quả phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối, tuy nhiên, theo bà Việt Anh, bối cảnh này cũng đặt ra bài toán bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường…Trong đó, nổi bật lên là vấn đề thuế.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: "Việc làm sao thu đúng thu đủ, thu chính xác đối với TMĐT trở thành khó khăn chung của hầu hết cơ quan thuế trên thế giới, kể cả những quốc gia phát triển như Mỹ hay EU... Ở Việt Nam, việc chúng ta nghiên cứu, đề ra các biện pháp thu đối với lĩnh vực này cũng chưa có gì mới".
Thực tế, doanh thu thuế từ thương mại điện tử (TMĐT) tăng đều qua các năm, từ mức 83.000 tỷ đồng năm 2022, tăng lên mốc 97.000 tỷ đồng năm 2023 và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng.
Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon. Song, ông Thịnh cho rằng, chưa tương xứng với quy mô doanh thu.
Mỗi tháng có 1,3-1,9 tỷ USD hàng hóa giá trị nhỏ đi qua biên giới Việt Nam được miễn thuế
Ngoài ra, dẫn chứng số liệu từ Bộ thông tin truyền thông, mỗi tháng có khoảng 1,3-1,9 tỷ USD hàng hóa giá trị nhỏ đi qua biên giới Việt Nam được miễn thuế, ông Thịnh nói "nếu điều chỉnh chính sách phù hợp, ngân sách có thể bổ sung thêm nguồn thu khổng lồ".
Đây là một trong những bất cập lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Vấn đề này nổi sóng thời gian qua khi có những mô hình bán hàng qua mạng bằng cách thuê kho hàng ngay bên kia biên giới và livestream bán hàng cho khách Việt Nam. Từ lỗ hổng này, các đơn vị bán hàng online sẽ không phải chịu thuế với những đơn hàng nhỏ.
Năm 2010, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Hiện nay, việc quản lý dễ dàng, do đó, ông Thịnh cho rằng, cơ chế chính sách của chúng ta đang không phù hợp và đã đến lúc cần thay đổi.
"Liên minh châu Âu từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro phải đóng thuế. Hay nước Anh, 135 bảng Anh trước đây không phải đóng thuế, bây giờ phải đóng thuế. Ngay bên cạnh chúng ta là Thái Lan, họ cũng đánh thuế đồng bộ tất cả hàng hóa ra với mức thuế suất 7%", ông Thịnh nhấn mạnh, nếu mỗi ngày chúng ta có 4-5 triệu đơn qua biên giới thì con số thất thoát rất lớn.
Năm 2010, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng đến nay, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh chỉ cần 1 giây là cơ quan quản lý đã nắm thông tin hàng hóa đầy đủ, không thể tiếp tục miễn thuế.
Về việc này, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho hay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa Nghị định 12, trong đó đề xuất quản lý đối với TMĐT, đó là việc các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để các sàn này có thể xuất hóa đơn thay cho người kinh doanh thông qua sàn. Thông qua giải pháp này, tất cả các giao dịch TMĐT dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ.
Bên cạnh đó, tờ trình cũng có đề xuất bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng hóa nhỏ lẻ. "Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới cũng đang chú ý đến việc này và họ cũng có đề xuất như vậy", bà Lan Anh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận