Thị trường

Lo thiếu xăng dầu khi lọc dầu Nghi Sơn dừng hoạt động, xoay xở cách nào?

27/01/2022, 14:28

Nhiều doanh nghiệp đang tính phương án bổ sung nguồn cung, phòng khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng hoạt động.

Nguồn cung xăng cho Miền Bắc sẽ khó khăn

Hiện nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSRP) đang cắt giảm công suất từ 105% xuống còn 80% vì thiếu nguồn tiền để nhập nguyên liệu dầu thô.

Nhiều khả năng nhà máy này sẽ phải dừng hoạt động vào giữa tháng 2/2022 nếu vấn đề tài chính không được các bên liên quan khắc phục, tháo gỡ, dẫn đến không có nguồn dầu thô bổ sung để sản xuất.

img

Nhiều doanh nghiệp phân phối đang tính phương án bổ sung nguồn cung xăng dầu

Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (PVNDB) cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp đầu mối về tình trạng “khả năng không thể tiếp tục cung ứng nguồn hàng ra thị trường từ tuần đầu tháng 2”.

Trước thực tế này, một chuyên gia xăng dầu khẳng định với PV Báo Giao thông: “Nếu NSRP phải tạm dừng hoạt động, nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp, thương nhân ở toàn miền Bắc sẽ rất khó khăn, nhất là ở khu vực Bắc Trung Bộ”.

Bởi theo vị chuyên gia, việc nhập khẩu bổ sung ở thời điểm này giá sẽ cao hơn nhiều do đơn đặt hàng gấp rút.

Chưa kể, nếu doanh nghiệp nhập khẩu từ bên ngoài thì phải mất tiền tàu, xếp dỡ, bốc hàng... chi phí "đội" lên rất cao, không được thuận lợi như khi mua từ NSRP.

Cấp tập tìm nguồn cung thay thế

Là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất cả nước, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết trong bất kỳ tình huống nào cũng cố gắng đảm bảo nguồn hàng, đáp ứng tốt nhất theo khả năng và tồn kho thị trường.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVVOIL (đầu mối có thị phần cung cấp xăng dầu lớn thứ hai cả nước) cho biết, đã đề nghị các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn thường xuyên cập nhật kịp thời tình hình sản xuất để doanh nghiệp có phương án thích ứng.

Theo ông Dương, trong trường hợp nguồn cung xăng dầu trong nước gặp khó khăn, PVOIL sẽ chủ động triển khai phương án phù hợp.

Đó là, kết hợp sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ lưu thông phân phối, cũng như nhập khẩu để bù đắp cho nguồn hàng thiếu hụt.

“Nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp đang tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán.

Do đó, việc chủ động nguồn hàng, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; Duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu”, ông Dương nói.

Vì thế, ngay từ khi có những diễn biến thị trường xung quanh vấn đề của NSRP, PVVOIL đã có kế hoạch nhập khẩu và họ thuận lợi nhờ là đối tác lớn nên được ưu ái về tiến độ.

Cũng theo lãnh đạo PVVOIL, nhờ việc họ có đủ cơ sở vật chất, hệ thống kho cảng, nên vấn đề bổ sung nguồn cung có thể triển khai một cách nhanh chóng...

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn thì việc này không dễ dàng. Một doanh nghiệp ở phía Bắc cho biết, khi NSRP cắt giảm công suất, doanh nghiệp đang tích cực làm việc với các đối tác khác để ký mua, thậm chí là tăng nhập khẩu để bổ sung nguồn hàng thay thế.

Song giá cả sẽ chênh cao hơn khi là đối tác không thường xuyên và không có kế hoạch dài hạn với thương nhân cung cấp xăng dầu. Trong khi, việc nhập khẩu cũng sẽ làm giá mua đẩy lên cao khi họ phải thuê tàu, bến bãi...

"Chúng tôi đang cố gắng đàm phán hết sức có thể, tình huống xấu nhất là chấp nhận bù lỗ giá cao. Nhưng việc này sẽ khiến việc kinh doanh không lâu bền, rất rủi ro cho cả hệ thống", vị này nói và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ để giảm thiểu rủi ro.

NSRP cho rằng, phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1/2022 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/2/2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính, bắt nguồn từ việc PVN chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) hợp đồng bao tiêu sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn và các phụ lục (FPOA).

Tuy nhiên, ngay sau đó, PVN đã lên tiếng, cho rằng, thực chất theo điều lệ công ty, ban điều hành NSRP phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành nhà máy…

Do đó, việc NSRP tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động nhà máy hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của ban điều hành NSRP, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và EP.

Hiện các vấn đề về RPA và EP là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và đang trong quá trình đàm phán.

PVN khẳng định đang nỗ lực đàm phán, thuyết phục và thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể NSRP nhằm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả công ty cũng như đảm bảo quyền lợi của Petrolimex và phía Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.