Quản lý

Lộ trình dự kiến 13 năm hạn chế xe cá nhân của TP.HCM

14/07/2017, 18:56

Lộ trình đề án từ nay đến năm 2030 hạn chế việc sử dụng xe cá nhân, tăng cường phát triển xe buýt...

IMG_0504

Đề án lộ trình hạn chế xe cá nhân đến năm 2030

Ngày 14/7, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Viện Chiến lược) làm việc với Sở GTVT TP HCM về đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân. Theo đó, đề án có lộ trình từ nay đến năm 2030 về hạn chế dần việc sử dụng xe cá nhân, tăng cường phát triển xe buýt.

Lộ trình 13 năm thực hiện

Theo Viện chiến lược, phương tiện xe cá nhân gồm 9 loại được đề xuất nằm trong danh sách hạn chế gồm phương tiện cá nhân chở người: ô tô con cá nhân; xe công vụ, mô tô, gắn máy 2 bánh, 3 bánh, xe đạp; phương tiện cá nhân chở hàng: xe tải các loại, xe chuyên dùng, xe mô tô, xe gắn máy 3, 4 bánh.

Nhóm giải pháp được chia làm 2 giai đoạn: 2017-2020 và 2017-2030, trong đó có 58 giải pháp đủ cơ sở pháp lý để chính quyền TP tổ chức thực hện, 7 giải pháp cần kiến nghị Quốc hội, chính phủ và các bộ ngành để đủ cơ sở pháp lý trước khi thực hiện.

Giai đoạn 2017- 2020: kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới xe cá nhân tham gia giao thông bao gồm lập đề án thu phí đối ô tô con, phí ô nhiễm môi trường, thống kê số lượng phương tiện xe gắn máy.

IMG_2203
Sở GTVT TP HCM và Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải tổ chức cuộc họp báo cáo đầu kỳ đề án hạn chế xe cá nhân

Các giải pháp hành chính được nghiên cứu là kiểm soát xe cá nhân lưu hành theo biển số chẵn - lẻ (theo ngày và theo giờ), hạn chế dừng đỗ, hạn chế và cấp phép cho xe đi vào nội đô, giới hạn đăng ký xe ở từng quận - huyện, kiểm soát chặt xe công loại nhỏ lưu thông trên đường phố...; về tài chính gồm thu phí chống ùn tắc, đấu giá biển số (đặc biệt là đăng ký, bán đấu giá biển số xe taxi và quy định chỉ có 1-2 màu với loại xe này để dễ nhận dạng, kiểm tra, xử lý và phân biệt được với các loại xe cá nhân khác...); về kỹ thuật gồm có các giải pháp như trồng cọc tiêu mềm, đặt hộp phân cách, tạo bậc thềm không cho xe cá nhân, đặc biệt là xe máy đi vào một số tuyến đường...

Giai đoạn 2020 – 2030: Đề án của Việc Chiến lược cũng nghiên cứu đến phương án kiểm định khí thải đối với xe máy chạy trên 5 năm và chu kỳ kiểm định lần kế tiếp là 2 năm sau. Theo dự báo của Viện Chiến lược, đến năm 2020 xe cá nhân ở TP vẫn chiếm trên 81% thị phần vận tải (VTHKCC chỉ chiếm khoảng 15-18%). Đặc biệt, đề án nghiên cứu phân vùng lưu thông, thống kê số lượng và dự kiến tiến đến năm 2030 (hoặc sau đó) sẽ ngưng toàn bộ xe máy đi vào một số khu vực trung tâm và nơi thường xảy ra ùn tắc...

Phát triển xe buýt, hạn chế từ từ xe cá nhân

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cá nhân là rất khả thi. Tuy nhiên đề án phải có sự chuẩn bị và nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể đưa ra các phương án thay thế xe cá nhân để người dân hiểu được các chủ trương chính sách của TP là đang thực hiện theo lộ trình.

T.S Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế chia sẻ : “Trong 4 năm qua không ngày nào tôi không tranh luận với nhiều người dân trên diễn đàn mạng xã hội về vấn đề giao thông đô thị và đặc biệt là xe máy. Lo lắng của người dân hiện nay là TP hạn chế xe cá nhân thì có được phương tiện gì thay thế và làm thế nào để không ảnh hưởng đến việc đi lại hàng ngày sinh hoạt của họ”.

Như vậy ông Nam góp ý đề án nên phát triển theo hướng loại hình phương tiện công cộng phục vụ người dân trước khi hạn chế xe cá nhân để người dân dễ hình dung và có sức thuyết phục. TP cần xác định xe buýt là giao thông chiến lược và chủ lực từ nay đến năm 2030.

IMG_2193
T.S Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế phát biểu tại cuộc họp

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Xuân Mai, (ĐH Bách khoa TP HCM), để đề án khả khi thì phát triển giao thông công cộng như thế nào để thay thế phương tiện cá nhân là điều không phải bàn cãi. Quan trọng hơn phải có sự điều hành thống nhất chủ trương, phối hợp của các sở ngành và phải có nguồn lực tài chính để đầu tư khoảng 21.000 chiếc xe buýt đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ông Mai góp ý, tại báo cáo lần 2, đề án nên đi vào cụ thể, phân tích về bối cảnh của TP HCM so với TP khác thế nào. Nguyên nhân gây ra kẹt xe nên đưa ra cụ thể, không chung chung, chỉ rõ cái gì gây ra ùn tắc…

Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM nhận định, để đề án có khả thi cần nhận được nhiều ý kiến phản biện của các nhà khoa học và ý kiến của người dân. Đề án sẽ được công khai rõ ràng, minh bạch Viện chiến lược phân tích rõ đặc thù tính chất riêng giao thông đô thị TP HCM như thế nào để áp dụng hiệu quả nhưng vẫn phải xây dựng phù hợp với tình hình đô thị TP nói chung.

Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết đây là báo cáo đầu kỳ của đề án qua các ý kiến của nhà khoa học sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.