Đôi bạn già và ước mơ liệu có bị đánh thuế (Ảnh minh hoạ) |
Ông Bảy Lang vừa kiếm một vị trí buông câu thì Tư Ruộng đã đứng cạnh, cầm tờ báo chỉ ngay vào bài viết Dự thảo Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính vừa họp báo công bố giọng hoang mang: “Mấy nay, tôi nghe cái dự thảo Luật này mà đứng ngồi không yên. Đây ông xem, Bộ Tài chính chọn phương án tính thuế 0,4% một năm cho phần vượt 700 triệu đồng của mọi căn nhà. Thế này là sao hả ông?”.
Đưa ánh mắt nhìn chiếc phao vời vợi đầu cần ở ngoài xa, ông Bảy giọng buồn: “Ừa, tôi thấy lo cho hiện tại và cũng lo cho con cháu của chúng ta. Nhưng mà trước mắt, thu thuế vầy sẽ có số tiền kha khá để trả nợ công đấy ông ạ”.
Chậm rãi, ông Bảy nói tiếp: “Tôi nhớ năm ngoái, báo chí nói nợ công của Việt Nam là hơn 3 triệu tỉ đồng. Cả nước hiện có hơn 92 triệu dân, chia ra mỗi người gánh khoảng 30 triệu đồng. Đấy ông xem, nếu thu được khoản tiền thuế lớn như thế thì rõ là chúng ta nhẹ bớt gánh nợ công. Nhưng mà nợ công này ở đâu ra ông biết không?”
Ông Tư nhìn sang ông Bảy nói ngay: “Tôi nông dân cũng biết để phát triển đất nước thì phải trả lương bộ máy quản lý tầng tầng lớp lớp, rồi đầu tư chăm lo văn hoá, giáo dục, xây điện đường, trường trạm… Ngân sách chi cho mấy chuyện đó đâu có nhỏ”.
“Đúng là ty tỷ thứ phải chi. Nhưng, ý tui muốn nói là cái cách chi ấy còn nhiều điều phải nghĩ, ông ạ, Bảy Lang trầm giọng và tiếp lời: “Hàng loạt đại án thất thoát nghìn tỉ từ các công trình đầu tư công mà ra, chưa kể việc sử dụng các nguồn vốn từ các tổng công ty, tập đoàn nhà nước toà vừa xử cũng mất vài nghìn tỉ mỗi vụ”.
“Toàn nghìn tỉ, nghìn tỉ vốn đầu tư công. Chi tiền không phải móc túi mình ra nên vung tay quá trán, trăm nghìn người xà xẻo. Nghe mà hãi thật ông ạ”, ông Tư Ruộng như mở lòng nói theo.
“Đâu chỉ có ở Trung ương, ngay cả việc quản lý thu chi ở địa phương cũng xảy ra thất thoát lớn. Nói đâu xa, Gia Lai mình nè. Vừa qua báo chí nói hoài vụ sai phạm 11,2 tỉ đồng ở Văn phòng HĐND tỉnh. Tiền ngân sách đem đi tiếp khách khứa, dùng tiền công vào việc tư, quà cáp… Cũng vì thế mà đứa con đỏ hỏn cũng phải gánh nợ, ông Tư ạ. Cứ đà này, nếu không khéo, tui còn lo cho cả đám cháu, chắt, chút, chít của chúng ta tiếp tục trả nợ. Và lúc đó, không biết có bao nhiêu kiểu thuế được đưa ra để thu bù cho ngân sách nữa ông à”.
Nghe thế, ông Tư gác cần câu cười như mếu: “Đời tui với ông coi như sắp qua rồi, cũng coi như phủi nợ nhỉ. Chỉ mơ tương lai đất nước được như Singapore không những không trả nợ mà còn "lì xì" cho dân ăn tết. Ông hỉ!”.
Ông Bảy nhìn dòng nước nổi trôi, trầm ngâm: “Tôi thì tôi không mong nhà nước lì xì cho dân. Tôi chỉ mong những người đứng đầu tiếp tục quyết liệt với tham nhũng như hiện nay, xoá bỏ nhóm lợi ích, vun vén cá nhân. Cái quan trọng nhất là phải có tầm khi hoạch định chính sách, sử dụng chắt chiu từng đồng vốn ngân sách. Chứ cái kiểu chính sách thay đổi như chong chóng; doanh nghiệp thao túng chính quyền như vụ Vũ “nhôm”; những quan chức xây biệt phủ biệt phủ, nâng đỡ không trong sáng, nhắm mắt bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn… như thế thì cả vài đời con cháu của chúng ta cũng không bao giờ trả được món nợ quá khứ”.
Ông Tư về nhà cứ ngẫm mãi câu cười mà đau của lão bạn già khi chia tay: “Tiêu tiền ngân sách thế này, thu thuế gì cho lại. Dễ sau này, họ đánh thuế cả ước mơ ông ạ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận