Mới đây, hàng loạt vụ việc có tính chất côn đồ như tạt sơn, đập xe, hắt chất bẩn, đâm thuyền… liên quan mâu thuẫn làm ăn xảy ra ở Quy Nhơn, Bình Định khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng về việc có nguy cơ xuất hiện băng nhóm tương tự như “Đường Nhuệ” ở Thái Bình.
Theo thông tin được báo chí đăng tải, có 3 vụ tạt sơn quán cà phê tại phường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn, ngày 8/4); vụ ném chất bẩn vào văn phòng, đập xe ô tô của một doanh nghiệp vận tải (rạng sáng 10/4) và vụ đâm thuyền uy hiếp tính mạng và hủy hoại tài sản của nhà hàng nổi S.T (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tối 17/4)...
Sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo tỉnh Bình Định và Giám đốc Công an tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm, kiên quyết không để tội phạm lộng hành, thách thức pháp luật.
Theo quy định pháp luật, những vụ việc trên sẽ được các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra làm rõ, xử lý tùy theo tính chất và mức độ (xử phạt hành chính nếu chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự; xử lý hình sự nếu thiệt hại tài sản đủ lớn, thủ đoạn phạm tội mang tính chất nguy hiểm).
Dư luận tin tưởng và mong muốn, những vụ việc trên sẽ được các cơ quan có thẩm quyền điều tra, làm tới cùng để xử nghiêm những đối tượng có hành vi vi phạm.
Điều đó không chỉ giúp bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân mà nó cũng sẽ giúp xua tan đi những nghi ngại về việc liệu các đối tượng có được chống lưng hay bảo kê hay không.
Thật ra, những nghi ngại của dư luận là không phải không có cơ sở, bởi thực tế đã được chứng minh qua vụ án Năm Cam trước đây. Chỉ đến khi vụ án được phanh phui, người ta mới vỡ lẽ đã có không ít cán bộ của cơ quan công quyền cấu kết, bao che và tiếp tay cho Năm Cam phạm tội.
Đến khi xảy ra vụ Đường Nhuệ ở Thái Bình vừa qua, nhiều người cũng đã đặt câu hỏi: liệu không có sự tiếp tay của một số người trong cơ quan công quyền thì Đường “Nhuệ” có dám lộng hành, ngang nhiên thách thức pháp luật đến vậy?
Những hoạt động phi pháp của Đường “Nhuệ” tại Thái Bình trong suốt một thời gian dài, hay những vụ việc có tính chất côn đồ, “xã hội đen” vửa xảy ra tại Quy Nhơn, Bình Định mới đây cho thấy, chừng nào những hành vi trái pháp luật chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời, chừng đó cuộc sống của người dân vẫn còn bất an, xa hơn nữa là nó còn ảnh hưởng tới cả niềm tin vào bộ máy thực thi pháp luật.
Bởi thế, điều quan trọng là khi đã phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm để ngăn chặn, tránh để khi hậu quả đã xảy ra rồi mới vào cuộc thì e rằng lúc đó đã muộn.
Trên thực tế, đã có những vụ việc mà chỉ khi báo chí vào cuộc, người dân bức xúc thì lực lượng chức năng mới rốt ráo xử lý. Tuy nhiên, có thể lúc đó hậu quả đã xảy ra, mà nguyên nhân là bởi hành vi phạm tội đã không được ngăn ngừa, xử lý kịp thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận