Hội thảo MTTQ Việt Nam với công tác PCTN tổ chức sáng 18/12 |
Sáng 18/12, Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng chống tham nhũng”.
Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế việc phối hợp PCTN chưa thực sự tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức, chưa khơi dậy được tinh thần đấu tranh PCTN, lãng phí. Các quy định của pháp luật về công tác PCTN chưa đầy đủ, hoàn thiện, còn thiếu những cơ chế thật sự có hiệu quả, tin cậy để bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng như việc xử lý thiếu kịp thời, kiên quyết người trả thù, trù dập người tố cáo; việc khen thưởng người tố cáo còn mang tính hình thức, chưa kịp thời, mức khen thưởng thấp nên chưa động viên, khuyến khích được người dân dũng cảm tố cáo tham nhũng.
Nguyên nhân, theo Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam, có phần do chưa có cơ chế hữu hiệu để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, báo chí tố giác, phát hiện các hành vi tham nhũng và giám sát hoạt động đến cơ quan công quyền.
Bên cạnh đó, vấn đề dân chủ hoá hoạt động của cơ quan Nhà nước, công khai thông tin để nhân dân giám sát mới tiến hành được bước đầu. Có nơi vẫn còn tình trạng che giấu thông tin về tham nhũng với lý do đó là vấn đề nhạy cảm; Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu thường xuyên, chưa gắn kết, chưa phát huy được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống, có nơi còn biểu hiện “mạnh ai nấy làm”.
Với vai trò tổ chức hiệp thương và giám sát việc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam khẳng định một trong những tiêu chuẩn được xem xét kỹ lưỡng là người ứng cử phải gương mẫu chấp hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng. Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đảm bảo cơ cấu, thành phần, số lượng, không đưa vào danh sách những ứng cử viên có dấu hiệu tham nhũng, không trung thực trong kê khai tài sản hoặc vi phạm pháp luât về bầu cử.
Số liệu của Uỷ ban MTTQ Việt Nam cho thấy, trong cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, so với danh sách trình ra Hội nghị Hiệp thươn lần thứ nhất, qua các lần hiệp thương, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đã loại khỏi danh sách hiệp thương chính thức 150 ứng cử viên ĐBQH và 63.607 ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp do đã phát hiện vi phạm chính sách, pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức lối sống và không được cử tri nơi công tác, nơi cư trú tín nhiệm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận