Sáng nay (10/11), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Có lợi ích nhóm trong xét nghiệm Covid-19?
Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua có tình trạng loạn giá xét nghiệm Covid-19, mỗi nơi một giá, có nơi 450.000 đồng cho một lần xét nghiệm, vậy có lợi ích nhóm hay không?.
“Ngành Y tế thời gian qua xảy ra tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu vì thiếu kiến thức quản trị. Vậy đã đến lúc tách bạch quản lý với chuyên môn chưa, thưa Bộ trưởng?”, ông Hòa đặt câu hỏi.
Cũng liên quan đến giá xét nghiệm Covid-19, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) cho biết, Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên phân lập được virus, năm 2020 sản xuất được kit test và có nước đặt mua, nhưng vừa qua, chúng ta chủ yếu là nhập khẩu. Vậy nguyên nhân là gì? Nếu sản xuất được kit test thì đã sử dụng ở đâu, địa phương nào?.
Ông Sỹ cũng hỏi thêm: “Hiện nhiều người dân trên 18 tuổi chưa được tiếp cận vaccine, trong khi đó nhiều nơi tiêm mũi 2, thậm chí mũi 3 và tiêm cho trẻ em. Vậy nguyên tắc phân bổ vaccine ra sao?”
Trả lời câu hỏi của hai đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vấn đề về trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc lĩnh vực quản lý và mặt hàng quản lý theo Luật Giá.
Thứ hai, giá cả của mặt hàng này cũng khác nhau, giữa các hãng khác nhau, giữa các nước sản xuất, ví dụ châu Âu một giá, châu Mỹ, Trung Quốc lại có giá khác nhau. Giữa các trang thiết bị y tế, sinh phẩm khác nhau qua các thời điểm, thời kỳ. Có những thời điểm nhu cầu của cung ít, cầu nhiều vì vậy giá thành sẽ cao hơn.
Chúng ta nhớ lại hồi đầu dịch Covid-19 vào năm 2020, khi đó khẩu trang, găng tay, máy thở,… khan hiếm trên thị trường khiến giá bị đẩy lên cao. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng rơi vào tình trạng này trong thời điểm ban đầu. Bản thân các doanh nghiệp trong thời gian qua, do nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường nên đã hạ giá các mặt hàng này.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt: Từng bước minh bạch hóa việc cung ứng trang thiết bị vật tư, sinh phẩm y tế; Tăng cường việc giảm giá thành; Bộ liên tục có điều chỉnh trong chiến lược về mặt xét nghiệm để phù hợp với tình hình thực tế,…
“Bộ Y tế đã có các văn bản, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ liên tục nhắc nhở các địa phương trong vấn đề thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Việc này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt và đã đưa vào chương trình thanh tra năm 2022 vấn đề về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế”, Bộ trưởng Long nói.
Theo ông Long, ngày 8/11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 về quản lý trang thiết bị y tế. Đây là một trong những nghị định làm thay đổi cơ bản về việc quản lý trang thiết bị y tế, minh bạch công khai toàn bộ trong quá trình quản lý; chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm,… Đối với quản lý giá trang thiết bị và sinh phẩm đã chính thức được đưa vào mặt hàng quản lý giá.
“Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bình ổn giá đối với mặt hàng này”, ông Long nói thêm.
Yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh
Cùng với đó, ông Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã tăng cường vận động, hỗ trợ từ các nước với khoảng trên 50 triệu test. Tư lệnh ngành y tế cũng nêu ra yêu cầu về việc giảm giá thành, theo đó, Bộ đã có hướng dẫn về gộp mẫu với cả test nhanh (gộp 3-5) và test PCR (gộp 10-20).
“Điều này được cho phép về mặt chuyên môn và giảm giá thành”, ông Long nói. Đồng thời, ông khẳng định Bộ Y tế liên tục có điều chỉnh về việc xét nghiệm tùy từng thời điểm, mức độ dịch trên quan điểm “hiệu quả, tiết kiệm”.
Trước 1/7, ông Long cho biết lượng test nhanh sử dụng không nhiều nhưng sau 1/7, Bộ Y tế tiên lượng thị trường sôi động hơn vì việc xét nghiệm nhiều hơn. Vì vậy, Bộ yêu cầu các địa phương triển khai theo hướng “thực thanh thực chi”.
Nếu người dân tự nguyện đến xét nghiệm và thu phí thì chỉ được thu theo giá đầu vào, nên có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị và các đơn vị tư nhân.
“Do quá bận về công tác phòng, chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, thì các đơn vị nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh việc thu thế này”, ông Long nói.
2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1
Trả lời về nguyên tắc phân bổ vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc phân bổ dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, ưu tiên địa bàn trọng điểm và nhóm dân số. Đó là các tỉnh thành có nguy cơ rất cao, đầu mối giao thông, mật độ giao thông nhiều... Thời gian qua, Bộ y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương phân bổ vaccine.
Về việc tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, trước mắt sẽ thực hiện đối với địa bàn trọng điểm trước, còn trong tháng 11 sẽ cố gắng bao phủ phạm vi toàn quốc. “Còn về tiêm mũi 3, Bộ Y tế mới có kế hoạch, chưa triển khai và dự kiến thực hiện vào cuối tháng 12”, ông Long nói và cho biết, mục tiêu ưu tiên vẫn là phủ toàn bộ vaccine cho dân số nhanh nhất, mục tiêu là 2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1 và trả mũi 2. Lúc đó, chúng ta mới tính đến tiêm mũi 3 cho người cao tuổi.
Về nhóm ưu tiên, trong tháng 10 các nơi phải phủ được người trên 65 tuổi, từ tháng 11 phủ cho người trên 50 tuổi, đây là hai nhóm rủi ro nhất.
Hai tuần đầu tháng 11, Bộ Y tế triển khai ở một số địa bàn trọng điểm tiêm cho trẻ em 12 - 17 tuổi. Mũi 3 sẽ được tiêm từ cuối tháng 12/2021. Hiện cả nước đang tiêm phủ mũi một, sau đó phủ mũi hai rồi tiêm mũi 3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận