Văn hóa - Giải Trí

Loạn thi nhan sắc, danh xưng “hoa hậu” bị rẻ rúng

06/11/2017, 07:52

Thị trường giải trí đang bùng nổ và bão hòa với các cuộc thi nhan sắc.

26

Nhan sắc của tân Hoa hậu Đại dương 2017 gây tranh cãi (ảnh do Ban tổ chức cung cấp)

Liên tục thi, liên tục ồn ào

Nghị định 79/2012 quy định, mỗi năm, Bộ VH,TT&DL chỉ được cấp phép tổ chức cho 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Năm nay, hai cuộc thi được cấp phép là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 và Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017. Những cuộc thi còn lại do Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành chịu trách nhiệm. Thực tế, có hàng loạt những cuộc thi nhan sắc trên cả nước tấp nập diễn ra. Thông tin về các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, nữ hoàng nhan nhản trên các phương tiện truyền thông. Tính riêng từ đầu năm tới nay, chưa kể tới các cuộc thi doanh nhân, quý bà, sinh viên thì đã có hàng chục cuộc thi nhan sắc diễn ra như: Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017, Hoa hậu Hữu nghị ASEAN, Người đẹp xứ Trà, Nữ hoàng trang sức 2017, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2017,…

"Trong điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, không nên tổ chức quá nhiều cuộc thi nhan sắc. Tổ chức nhiều khiến thí sinh bị phân tán, chất lượng thí sinh không cao. Nhiều cuộc thi tổ chức chưa chuyên nghiệp, gây ảnh hưởng tới uy tín của cuộc thi sắc đẹp. Có quá nhiều danh hiệu dẫn tới loạn danh xưng, khiến danh hiệu “hoa hậu” vốn cao đẹp trở nên bị rẻ rúng”.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh

Sự bùng nổ của các cuộc thi nhan sắc khiến dư luận hoài nghi về chất lượng cuộc thi cũng như danh xưng hoa hậu. Chỉ trong một tháng qua, phủ sóng trên các trang truyền thông là thông tin về các hoa hậu và những cuộc thi nhan sắc. Khi lùm xùm xung quanh thử thách “tiếp rượu, đánh ghen” của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 còn chưa kết thúc, thông tin Á hậu Huyền My trượt top 5 Miss Grand International 2017 và bị cho rằng, thiếu chuyên nghiệp, thì ồn ào về nhan sắc và sự công bằng của cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 tiếp tục “trào” lên. Suốt cả tuần qua, hình ảnh của tân Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh ngập tràn trên các trang mạng xã hội, truyền thông với những bình luận mỉa mai, giễu cợt. Chưa hết, cuộc thi còn dính phải những tai tiếng về nghi vấn mua bán giải, thí sinh từng phẫu thuật thẩm mỹ, việc Trưởng BTC “tố” Hoa hậu Đặng Thu Thảo vô ơn… Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có công văn yêu cầu đơn vị tổ chức báo cáo, giải trình.

Một ồn ào khác cũng liên quan đến cuộc thi nhan sắc là 8/13 thí sinh của cuộc thi Golf Queen 2017 tố Ban tổ chức là Công ty Water Media của MC Đỗ Phương Thảo mập mờ về giấy phép và tính chất cuộc thi. Theo đó, giấy phép mà MC Đỗ Phương Thảo cung cấp là giấy phép một cuộc thi thể thao, do bộ phận phụ trách thể thao của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM cấp phép. Thế nhưng, các thí sinh cho rằng cuộc thi diễn ra như một cuộc thi sắc đẹp với các phần thi trang phục dạ hội, áo dài, ứng xử… Trong suốt cuộc thi, phần thi chuyên môn về golf chỉ diễn ra hai lần. Thậm chí, có những thí sinh chưa biết đánh golf, hay không tham gia đều các hoạt động vẫn đoạt giải.

Thiếu chuyên nghiệp, đừng tổ chức nhiều

Theo nhà thơ Dương Kỳ Anh, “cha đẻ” của các cuộc thi hoa hậu, các nhà quản lý nên cân nhắc việc cấp phép cho các cuộc thi. Phải xem xét đơn vị nào có sự tổ chức chuyên nghiệp, đúng mục đích vì cái đẹp thì cấp phép. Ngoài ra, cũng cần phải quy định rõ ràng, cuộc thi nào gọi là hoa hậu, cuộc thi nào là hoa khôi, người đẹp để tránh bị loạn danh xưng.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên cho biết, thời gian tới sẽ siết chặt hơn việc cấp phép tổ chức thi hoa hậu, người đẹp. Tại hội thảo “Phát huy mặt tích cực của hoạt động thi người đẹp, người mẫu góp phần quảng bá nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng nhìn nhận, hiện nay các cuộc thi người đẹp, người mẫu đang rất sôi động. Bên cạnh những mặt tốt của những cuộc thi người đẹp đóng góp cho xã hội, vẫn còn nhiều người lợi dụng chuyện này để làm thương mại kiếm tiền, không mấy tập trung đến mục đích cao cả là tôn vinh cái đẹp.

Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, ngoài việc mở thông thoáng cho các cuộc thi người đẹp để phát triển, bộ đề nghị các cơ quan quản lý cũng phải kiểm soát, răn đe, xử lý mạnh tay những người sai phạm. “Việc cấp phép phải quản lý chặt chẽ, có điều kiện và chế tài đi kèm hoặc phải có những điều kiện như thế nào mới được đăng cai tổ chức”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh và cho biết, Bộ sẽ tiếp tục xin ý kiến về vấn đề phải nghiên cứu xem nên tổ chức bao nhiêu cuộc thi là vừa.

Ở một góc nhìn khác, với kinh nghiệm hơn 15 năm tổ chức các hoạt động người đẹp, người mẫu, doanh nhân Thu Trang nêu quan điểm: Tổ chức nhiều hay ít không quan trọng bằng chuyện đơn vị nào tổ chức và những ai tham gia tổ chức. Theo bà Trang, tính chuyên nghiệp rất quan trọng. Hiện nay, có rất nhiều cuộc thi người đẹp nhưng đa số lại được tổ chức bởi các đơn vị không chuyên nghiệp và không có kinh nghiệm. Nhiều cuộc thi cấp quốc gia cũng được tổ chức ở những đơn vị không có chuyên môn cao, nên chất lượng cũng bị giảm theo.

Bà Trang cho hay, nhiều người cũng đang lập lờ, chưa phân biệt rõ đâu là cuộc thi chuyên nghiệp cấp quốc gia và đâu là cuộc thi mang tính chất ngành, nghề hay vùng, miền. Bởi vậy, vấn đề truyền thông rất quan trọng. “Tôi nghĩ, một thời gian nữa, các hoạt động thi người đẹp cũng sẽ thoái trào vì không còn thu hút được khán giả. Khi cuộc thi không đạt được chất lượng cao, khán giả không quan tâm thì các nhà đầu tư, nhà tổ chức cũng sẽ tự rút lui. Mọi thứ sẽ theo quy luật đào thải, tự chắt lọc”, bà Trang nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.