Những nội dung trên được đoàn giám sát nêu trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Người dân phải chi trả giá điện cao hơn hộ sản xuất
Theo báo cáo của đoàn giám sát, chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp. Ngoài ra, giá điện chưa bảo đảm tính minh bạch; các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng.
Ngoài ra, cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, còn duy trì bù chéo. Giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn mức giá cho nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh; chưa phù hợp với mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng điện.
"Công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện chưa được hoàn thiện; chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần; giá truyền tải điện quá thấp, không thu hút được nhà đầu tư làm dự án lưới điện", báo cáo nêu rõ.
Chia sẻ với Báo Giao thông về vấn đề này, chuyên gia Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, nhìn nhận vấn đề tranh cãi nhiều nhất vẫn là việc bù chéo giá điện.
Theo chuyên gia, lâu nay nhiều người thường nghĩ rằng giá điện sản xuất thấp hơn giá điện sinh hoạt là có sự ưu ái và giá điện sinh hoạt phải bù cho giá điện sản xuất. Nói vậy không sai nhưng chưa đầy đủ. Việc giá điện sản xuất rẻ hơn giá điện sinh hoạt còn liên quan đến vấn đề chi phí phân phối.
"Công bằng mà nói giá điện đi theo chi phí. Chi phí đến đâu thì giá thành và giá bán đến đó. Đa phần doanh nghiệp sản xuất mua điện ở cấp điện áp cao từ cấp 22kV-110 kV. Chi phí để sản xuất, truyền tải và phân phối đến cấp điện áp đó đương nhiên rẻ hơn việc bán cho các hộ dân. Bởi vì điện bán cho các hộ dân bắt buộc phải bán đến cấp hạ áp, phải làm tiếp đường dây phân phối và trạm biến áp để bán tiếp xuống dưới", vị chuyên gia này cho biết.
Ở một khía cạnh khác, theo ông Sơn, sản xuất công nghiệp sẽ thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tức là tạo ra việc làm và tác động tích cực cho xã hội. Vì vậy, tất cả các quốc gia muốn thúc đẩy sản xuất công nghiệp đều tính toán giá điện sản xuất công nghiệp rẻ hơn mức bình quân của giá điện sinh hoạt. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Cần rút ngắn bậc thang, tiến tới điện 1 giá
Để bảo đảm việc giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng cần thiết phải có lộ trình để xóa bỏ các hình thức bù chéo nêu trên. EVN đề xuất đẩy nhanh thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Dưới góc nhìn của giới chuyên môn, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là cơ sở để đưa giá điện về một giá. Lúc đó, loạt bất cập trên sẽ được giải quyết.
Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, nhận định phương án đồng giá là không thể áp dụng nếu nhìn từ các mục tiêu định giá chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, Điều 29 Luật Điện lực, chính sách giá điện là "khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và có hiệu quả". Như vậy, việc áp dụng phương án giá sinh hoạt đồng giá là không phù hợp với thực tiễn cũng như quy định nêu trên tại Luật Điện lực hiện hành. Ông Hòa cho rằng cần có lộ trình trước khi áp dụng phương án điện đồng giá.
Hiện, biểu giá điện bán lẻ được chia thành 6 bậc thang, có mức giá từ 1.728-3.015 đồng/kWh (áp dụng từ ngày 4/5 sau khi điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên 1.920 đồng). Bộ Công thương đang xin ý kiến giảm biểu giá điện bán lẻ xuống còn 5 bậc thang.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, cũng cho rằng cần rút ngắn biểu giá điện bán lẻ về 5 bậc, sau đó còn 3 hoặc 2 bậc rồi tiến tới xóa bỏ bậc thang, đưa về một giá khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận