Chương trình Thanh xuân có bạn 3 phải dừng sản xuất trước chung kết Ảnh: Daily Cpop
Giọt nước tràn ly
“Thanh xuân có bạn” mùa 3 trở thành chương trình gây xôn xao nhất những ngày qua khi chỉ trước đêm chung kết vài ngày, chương trình bị chính quyền Trung Quốc đình chỉ sản xuất để yêu cầu nhà sản xuất tuân thủ các quy định phát sóng.
Đây là chương trình do nền tảng video trực tuyến iQiyi sản xuất, nhằm chọn những gương mặt xuất sắc nhất để ra mắt một nhóm nhạc. Việc đình chỉ diễn ra sau khi thí sinh nổi bật của chương trình là Du Cảnh Thiên dính vào hàng loạt bê bối về đời tư và xuất thân của mình. Anh dính cáo buộc có bố mẹ mở karaoke buôn bán ma túy, mại dâm.
Phía Du Cảnh Thiên đã lên tiếng khẳng định, anh không dính líu tới ma túy hay mại dâm nhưng không đề cập tới lời tố cáo về bố mẹ của giọng ca trẻ sinh năm 2002.
Cùng đó, nam ca sĩ còn mang hai quốc tịch là Trung Quốc và Canada trong khi tại đất nước tỷ dân, mang hai quốc tịch là vi phạm pháp luật. Điều đó khiến Du Cảnh Thiên phải đứng trước làn sóng tẩy chay nặng nề và phải rút khỏi cuộc thi.
Tuy nhiên, đỉnh điểm là khi người hâm mộ của chương trình này mua hàng nghìn chai sữa đổ xuống cống để lấy mã vote cho thần tượng. Theo World Journal, iQiyi đã ký hợp đồng với một hãng sữa và người mua có thể bình chọn cho thực tập sinh mình yêu thích bằng cách quét mã QR in dưới nắp chai sữa.
Kết quả, người hâm mộ đã chi hàng triệu nhân dân tệ để mua sữa nhằm lấy mã phiếu bầu chọn cho thực tập sinh mà mình yêu thích. Số lượng sữa mua nhiều và không thể dùng hết nên gần 1.000 lít sữa đã bị đổ thẳng xuống cống.
Tờ Tân Hoa Xã đã đăng bài chỉ trích nhà sản xuất và nhà tài trợ đã quên trách nhiệm xã hội khi quyết định sử dụng phương thức quảng bá này. Hành vi bị lên án khiến giới trẻ suy nghĩ lệch lạc, cổ xúy hành động vô trách nhiệm của người trẻ, đồng thời vi phạm Luật Chống lãng phí thực phẩm của Trung Quốc.
Thực tế, “Thanh xuân có bạn” chỉ là “giọt nước tràn ly” để chỉnh đốn các show âm nhạc sống còn của Trung Quốc thời gian qua.
Trước đó, vào tháng 4, chương trình “Sáng tạo doanh 2021” đã chọn ra 11 chàng trai chiến thắng để lập nên nhóm nhạc Intol. 11 người có số phiếu bình chọn cao nhất giành chiến thắng gồm: Lưu Vũ, Santa, Rikimaru, Mika, Nine Cao Khanh Trần, Lâm Mặc, Bá Viễn, Trương Gia Nguyên, Patrick Doãn Hạo Vũ, Châu Kha Vũ và AK Lưu Chương.
Nhưng theo Sina, kết quả này gây tranh cãi khi một số gương mặt nổi bật nhất của chương trình như Caelan, Oscar không lọt vào top 11. Ban tổ chức phải hứng không ít “gạch đá”, bị nghi ngờ là gian lận phiếu bầu và sắp xếp đội hình theo ý đồ riêng.
Loạt bê bối của các show âm nhạc đã khiến cơ quan chức năng phải siết chặt hơn các cuộc thi, cấm các hoạt động thử giọng cho các chương trình âm nhạc khác.
Trong đó, hai chương trình “Chuang 4” và “The Sing! China” đang đứng trước nguy cơ phải dừng tổ chức dù đang rục rịch trở lại. Nhà sản xuất của “The Sing! China” trả lời trên tờ World Journal: “Trước yêu cầu của Chính phủ, đội ngũ chương trình ủng hộ quyết định dừng tất cả các hoạt động thử giọng trên toàn quốc vào năm 2021”.
“Vượt ải” thế nào?
"Sáng tạo doanh 2021" hứng nhiều ‘"gạch đá" sau chung kết
Theo Global Times, một thông báo mới được Cục Phát thanh và Truyền hình TP Bắc Kinh đưa ra là yêu cầu các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát của Trung Quốc không được phép thiết lập hệ thống bỏ phiếu bình chọn mà ở đó người hâm mộ phải chi tiền để bình chọn cho các thực tập sinh.
Tờ này phân tích, một số chương trình xây dựng hệ thống bình chọn khá ranh ma khi ngoài mua hàng hóa của nhãn hàng để lấy mã bình chọn như “Thanh xuân có bạn”, còn khuyến khích khán giả đăng ký làm thành viên trên một nền tảng video nào đó để bình chọn.
Giới chuyên gia nhận định, các hệ thống bình chọn kiểu này có tác động lớn đến số lượng người đăng ký dùng các nền tảng video này. Đơn cử, sau khi chương trình “Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng” được phát sóng, nền tảng phát trực tuyến Mango TV đã tăng hơn 28 triệu người dùng.
Shi Wenxue, một nhà phê bình văn hóa tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh nói trên Thời báo Hoàn cầu, quy định mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ đăng ký thành viên và lượng người xem trên các nền tảng video.
Theo Shi, quy định này nhắm tới nhiều mục tiêu, nhưng nó có thể mang lại thành công cho các chương trình khi phải đứng trước khó khăn tìm cách sinh tồn. “Họ có thể tiếp tục kiếm lợi nhuận bằng cách điều chỉnh lại hệ thống bình chọn và cách thức cạnh tranh của mình”, Shi nói.
Chuyên gia này cho rằng, các nhà sản xuất show sống còn có thể tham khảo cách Nhật Bản quảng bá các ban nhạc thần tượng.
Ở Nhật, người hâm mộ có thể kiếm được một tờ phiếu đặc biệt bằng cách mua album của ban nhạc. Những tờ phiếu này cho phép họ tham dự các sự kiện với một số hoạt động nhất định của ban nhạc, chẳng hạn cho người hâm mộ cơ hội nắm tay thần tượng giống cách nhóm nhạc thần tượng Nhật Bản AKB48 từng làm. Điều này giúp đạt được cả tiêu chí về quảng cáo sản phẩm lẫn lợi ích cho người hâm mộ.
Trong khi đó, Ting Luo, giảng viên cao cấp về Truyền thông và Công chúng tại Đại học Truyền thông Trung Quốc nhận định trên Global Times, sự kết nối giữa các nhà sản xuất show âm nhạc với nhãn hàng đã bị suy yếu do quyết định mới.
Các nhãn hàng sẽ không thể liên kết trực tiếp sản phẩm của họ với hệ thống bình chọn của chương trình. Do đó, họ có thể sẽ quay trở lại cách quảng bá thông thường thông qua quảng cáo. Khi đó, điều các chương trình cần làm để có tài trợ quảng cáo là làm tốt chuyên môn của mình.
“Các chương trình nên đặt ra nhiều tiêu chuẩn đánh giá hơn trong nghề nghiệp và chuyên môn của các thực tập sinh để đảm bảo tương đối về tính công bằng”, Ting Luo chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận