Hàng hải

Loạt doanh nghiệp cảng biển báo lãi lớn

28/05/2024, 14:02

Thị trường cảng biển dần có dấu hiệu khởi sắc, mang đến kết quả kinh doanh tích cực cho nhiều doanh nghiệp.

Doanh thu tăng mạnh

Kết thúc quý I/2024, Công ty CP Cảng Sài Gòn ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý đạt hơn 50 tỷ đồng, tăng 26,4 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận phần lớn tới từ hoạt động kinh doanh cảng biển. Trong đó, doanh thu của hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng tăng hơn 42 tỷ đồng.

Loạt doanh nghiệp cảng biển báo lãi lớn- Ảnh 1.

Thị trường cảng biển thời gian qua có nhiều tín hiệu khởi sắc, cho thấy nền kinh tế dần hồi phục.

Một doanh nghiệp kinh doanh cảng biển khác là Công ty CP Cảng Xanh VIP (VIP Greenport) cũng có kết quả kinh doanh hiệu quả khi đạt lợi nhuận kỷ lục. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận 94 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 và là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong một quý của công ty này.

Theo lãnh đạo Cảng Xanh VIP, sản lượng container qua cảng tăng hơn 22% là lý do khiến doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, cảng Xanh VIP cũng được hưởng lợi khi chi phí khấu hao giảm vì tài sản cố định hết khấu hao.

Sở hữu nhiều cảng biển, Công ty CP Gemadept cũng đạt mức lãi trước thuế trong quý I/2024 gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 708 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 656 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận gộp từ hoạt động khai thác cảng và logistics tăng hơn 14 tỷ đồng.

Nhiều tín hiệu khả quan

Số liệu từ Cục Hàng hải VN cho thấy, 4 tháng đầu năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 277 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng tới 20% so với cùng kỳ năm 2023. Hàng hóa container thông qua cảng đạt 9,3 triệu Teu, tăng 27%. 

Cơ quan này nhận định, đây là tháng thứ 3 liên tiếp khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển có mức tăng trưởng đạt trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, nền kinh tế đã có xu hướng hồi phục.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế và cảng biển có mối quan hệ mật thiết. Thời gian qua, kinh tế toàn cầu và Việt Nam đã dần ấm lên. Đây là những cơ hội cho thị trường cảng biển để có thể nắm bắt và tận dụng trong thời gian tới. Trước mắt, các mặt hàng để chuẩn bị cho dịp cao điểm cuối năm mùa Giáng sinh của các nước phương Tây đã bắt đầu rục rịch. Mùa cao điểm hàng hóa thường diễn ra cuối quý II, đầu quý III. Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát trên toàn cầu đã giảm nhiệt.

"Lạm phát trên thế giới, đặc biệt tại các nước châu Âu, Mỹ đã có phần được kiểm soát. Thị trường Trung Quốc cũng tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có đơn hàng tới quý III. Đây là những tiền đề quan trọng để cảng biển phát triển", Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng biển VN Trần Khánh Hoàng chia sẻ.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Đầu năm 2024, Công ty CP Cảng Cửa Việt (Quảng Trị) đã đầu tư xe cẩu bánh lốp 80 tấn mới 100% để đảm bảo an toàn trong hoạt động xếp dỡ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ông Hoàng Đức Chung, Giám đốc Công ty CP Cảng Cửa Việt cho biết, những tháng đầu năm 2024, thị trường dăm gỗ - mặt hàng chủ lực của cảng đã có sản lượng dồi dào hơn thời điểm cuối năm 2023. Trong năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng 550.000-600.000 tấn.

Thế nhưng, điều khiến ông Chung trăn trở là luồng lạch hiện nay tại khu vực đang bị bồi lắng. Cuối năm 2023, luồng vào cảng bị bồi lấp do ảnh hưởng từ gió mùa Đông Bắc, khu vực thượng và hạ lưu 14 luồng hàng hải với độ âm cốt luồng điểm cận nhất đạt -2.6m, mỗi tàu chỉ có thể đảm nhận 50-60% tải trọng thực tế.

Ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH liên doanh dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn – SSA (SSIT) thừa nhận, bối cảnh thị trường phức tạp là thách thức không nhỏ với cảng biển.

Thời gian qua, cảng biển tại Singapore đã có thời điểm tàu phải chờ tới 72 giờ mới có thể vào làm hàng. Nguyên nhân do những căng thẳng tại Biển Đỏ khiến các tàu phải đổi hành trình vòng qua mũi Hảo Vọng, làm việc quay vòng bị ảnh hưởng và lịch trình tàu thay đổi.

Tuy nhiên, cảng biển Việt Nam lại may mắn hưởng lợi khi có hãng tàu phải thay đổi hành trình, đã chọn Cái Mép làm nơi trung chuyển hàng hóa tạm thời do một số cảng biển trong khu vực cấm tàu hàng mang cờ Israel.

"Khủng hoảng chính trị cũng tác động tới nền kinh tế toàn cầu, làm lạm phát gia tăng, tác động lên nhu cầu tiêu dùng của người dân. Từ đó, có thể làm ảnh hưởng tới sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển", ông Vũ nói và cho rằng, dù đối mặt với nhiều nguy cơ, song thị trường vẫn có nhiều cơ hội. Cảng vẫn nâng cấp trang thiết bị làm hàng, tăng kích cỡ cẩu sau khi cảng được Bộ GTVT cho phép chính thức tiếp nhận tàu có trọng tải gần 200.000 DWT.

Trong khi đó, ông Trần Khánh Hoàng cho rằng, các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách thích ứng với tình hình thị trường, tìm cơ hội trong khó khăn.

Bên cạnh vướng mắc về hạ tầng tại một số khu vực, theo các chuyên gia, các yếu tố như hạn hán tại kênh đào Panama, những diễn biến bất ổn, căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia, đặc biệt tại khu vực Trung Đông, những cuộc tấn công lên các tàu thuyền ở khu vực biển Đỏ, kênh đào Suez gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu. Điều này có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.