Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thông xe cuối năm 2022
Cầu Vĩnh Tuy 2 nằm phía hạ lưu sông Hồng, song song cầu giai đoạn 1, với thiết kế tương tự cầu giai đoạn 1. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m. Điểm đầu Km0+840 (giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai), điểm cuối Km4+312,62 (giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh).
Mặt cắt ngang cầu là 19,25m (4 làn xe). Chiều cao tĩnh không là 11m, khẩu độ thông thuyền lớn hơn 85m. Dự án được khởi công từ tháng 1/2021 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.
Nhiều hạng mục quan trọng của cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được hoàn thành
Ông Phạm Văn Duân - Phó giám đốc Ban QLDA Công trình giao thông Hà Nội cho biết, sau gần một năm khởi công xây dựng, dự án đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng. Hiện nhà thầu tập trung thi công bệ thân trụ và trụ dưới sông. Để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, trên công trường được các nhà thầu bố trí gần 500 công nhân làm việc 3 ca mỗi ngày.
"Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 được xây dựng theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của TP Hà Nội. Công trình khi hoàn thành sẽ cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng các quận: Hai Bà Trưng, Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Dự án còn tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông Hà Nội theo quy hoạch", ông Duân nói.
Hầm chui 700 tỷ Lê Văn Lương dự kiến thông xe quý IV/2022
Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương được khởi công từ tháng 10/2020, với tổng mức đầu tư gần 700 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong 18 tháng. Hầm chui được xây dựng trực thông hướng đường Lê Văn Lương, đi ngầm qua nút giao Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, có tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475m. Trong đó phần hầm kín dài 95 m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín dài 380 m. Mỗi chiều hầm rộng 7,5 m, gồm 2 làn xe cơ giới.
Gần 100 công nhân cùng các phương tiện, máy móc đang hối hả thi công hầm chính
Ông Nguyễn Tuấn Nghĩa - Kỹ sư Ban điều hành liên danh nhà thầu Cienco 4 cho biết, dự án thi công hầm chui Lê Văn Lương là một trong những dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 của thành phố để giải quyết xung đột tại nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường Lê Văn Lương, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại nút giao và từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tính đến nay, tổng sản lượng Cienco4 đạt được khoảng 10% (19.2 tỷ). Tiến độ hoàn thành dự kiến trong Quý 4/2022.
Cầu vượt chữ C dự kiến hoàn thành 6/2022
Cầu vượt với kết cấu thép lắp ghép dạng chữ C được gấp rút thi công xây dựng theo hướng từ phố Chùa Bộc nối vòng cung sang phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, TP Hà Nội) trị giá gần 150 tỷ đồng.
Theo thiết kế, cầu vượt kết cấu thép lắp ghép dạng chữ C theo hướng từ Chùa Bộc đến Phạm Ngọc Thạch được tổ chức giao thông hai chiều cho hai làn xe hỗn hợp dành cho ô tô và xe máy. Hướng dọc đường Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch, đường Chùa Bộc - Đông Tác và các nhánh rẽ còn lại sẽ được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu dưới cầu.
Tại khu vực nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc - Tôn Thất Tùng các công nhân đang khẩn trương thi công các hạng mục công việc.
Ban QLDA Công trình giao thông Hà Nội thông tin, dự kiến đến tháng 6/2022 sẽ hoàn thành công trình cầu vượt chữ C và đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị, hình thành hạ tầng giao thông khung của TP.Hà Nội.
Tuyến đường từ Âu Cơ - Xuân Diệu đến cầu Nhật Tân
Tuyền đường từ Âu Cơ - Xuân Diệu đến cầu Nhật Tân được mở rộng lên 4 làn xe có tổng chiều dài là 3,7 km, tổng mức đầu tư 815 tỷ đồng dự kiến được hoàn thành vào năm 2022.
Khi dự án hoàn thành sẽ đồng bộ tuyến đường Nghi Tàm và Âu Cơ đoạn từ nút giao đường Thanh Niên đến nút giao cầu Nhật Tân, đáp ứng nhu cầu cấp bách về giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, kết nối sân bay Nội Bài về trung tâm chính trị Ba Đình và trung tâm Hà Nội; kịp thời phục vụ SEA Games 31.
Tuyến đường từ Âu Cơ - Xuân Diệu đến cầu Nhật Tân được mở rộng lên 4 làn xe
Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vận hành cuối năm 2022
Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư 783 triệu euro, trong đó vốn vay ODA là 653 triệu euro, vốn đối ứng 130 triệu euro. Tuy nhiên, sau đó tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.176 triệu euro, tăng khoảng 10.400 tỷ đồng. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng ngân sách TP.Hà Nội.
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác đoạn trên cao vào tháng 12/2022.Trước đó, tháng 11/2021, Cát Linh - Hà Đông trở thành tuyến tàu điện đầu tiên ở thủ đô vận hành thương mại.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu được vận hành ở chế độ tự động với tốc độ 80km/h (tốc độ lớn nhất theo thiết kế) từ ngày 6/12 và kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Đại diện MRB cho biết, đến nay dự án không kịp đưa vào khai thác trước 8,5km trên cao vào cuối năm 2021 như dự kiến và phải lùi đến cuối năm 2022.
Theo MRB, hiện tuyến trên cao đạt 89,5% tiến độ tổng thể (toàn dự án đạt khoảng 74%), với 2/9 gói thầu xây lắp, thiết bị đã thi công xong (đoạn trên cao và hạ tầng kỹ thuật Depot).
Hiện một số gói thầu còn 1 - 8% khối lượng công việc, song vẫn có gói thầu khối lượng công việc khá lớn, trong đó gói thầu CP05 (kiến trúc Depot) còn 30% khối lượng, gói CP09 (hệ thống thẻ vé tự động) còn tới 49%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận