Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại các công trường giao thông trọng điểm phía Nam, nhiều giải pháp đã được các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai, trong đó có việc xử lý các nhà thầu thiếu trách nhiệm để lấy lại tiến độ chậm do ảnh hưởng Covid-19...
Trung Lương - Mỹ Thuận tăng tốc để thông xe
Những ngày này, không khí thi công trên công trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận diễn ra hối hả. Những đoàn xe ben nối đuôi nhau chở bê tông nhựa nóng đến công trường.
Những dàn xe máy thảm bê tông nhựa hoạt động liên tục để cho ra những đoạn đường mới thảm nhựa nóng hổi. Dàn xe lu đều đặn chạy đi chạy lại với tiếng rì rầm để mặt đường thêm bóng láng...
Sau khi vượt qua những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều cán bộ phải cách ly, công trình đã nhanh chóng bắt lại nhịp để tiếp tục chạy đua với thời gian.
Ban quản lý dự án 7 đã chấn chỉnh các nhà thầu, bám sát tiến độ theo cam kết để bù lại những tháng bị chậm
Nhìn toàn cảnh công trường từ trên cao, có thể thấy hình hài của một tuyến cao tốc xuyên qua những vườn cây trĩu trái của thủ phủ trái cây Tiền Giang.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, những tháng trước, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ công trường. Dự án có nhiều ca F0, F1 nên phải cách ly. Chúng tôi phải điều quân từ nơi khác vào.
Tuy nhiên, đến nay tiến độ dự án đã được đảm bảo, đã hoàn thành cơ bản phần nền đường. Công tác thảm bê tông nhựa sẽ hoàn thành toàn bộ 45km trong những ngày tới, sau đó là thi công hệ thống ATGT, biển báo, thông tin liên lạc.
“Các đơn vị đang tập trung giữ mục tiêu hoàn thành cuối năm 2021 để phục vụ người dân đi lại thuận tiện dịp Tết”, ông Đông khẳng định.
Ngay cạnh đó, cầu Mỹ Thuận 2, một trong những dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã vượt qua những cột mốc quan trọng.
Những ngày qua các nhà thầu đã tập trung thiết bị để thi công 2 bệ trụ chính dây văng và 2 trụ neo.
Theo kế hoạch đến cuối tháng 12 sẽ hoàn thành 2 bệ trụ chính, sau đó sẽ bắt tay vào thi công thân trụ dây văng. Đường dẫn phía hai bờ Tiền Giang, Vĩnh Long cũng đã đạt trên 70% khối lượng. Theo kế hoạch, cầu Mỹ Thuận sẽ hoàn thành vào năm 2023.
Tận dụng thời tiết thuận lợi để thi công
Các nhà thầu đang thi công bệ trụ chính dây văng cầu Mỹ Thuận 2
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đang tăng tốc thi công để đảm bảo tiến độ sau những tháng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Toàn dự án huy động 255 cán bộ kỹ thuật, lái máy; 136 thiết bị và đang triển khai 33 mũi thi công.
Đến nay, dự án đã hoàn thành toàn bộ công tác đắp cát đến cao độ bấc thấm các đoạn không vướng mặt bằng. Các nhà thầu đã đắp cát đường gom khoảng 45%, tập kết cát gia tải khoảng 25%.
Cắm bấc thấm khoảng 51%, bắt tay vào thi công toàn bộ 15 cầu trên tuyến chính.
Trong khi đó, ở hướng phía Đông, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cũng đã lập kế hoạch mới cho giai đoạn sau mùa mưa để tận dụng “thời tiết vàng” đẩy nhanh tiến độ.
Theo Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đến nay sản lượng giải ngân các gói thầu xây lắp đạt hơn 1.800 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2021 (đạt 78,9%). So với kế hoạch giải ngân, đến nay vượt 2,3%.
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long cho rằng, nhân sự là yếu tố then chốt để đảm bảo tiến độ của từng gói thầu và toàn bộ dự án.
Vừa qua, tại hai gói thầu qua tỉnh Bình Thuận, nhân viên tư vấn giám sát chưa giám sát chặt chất lượng đầu vào nên buộc phải cào bóc ra khỏi phạm vi công trường.
Ban đã yêu cầu nhà thầu phụ trách tư vấn giám sát hai gói thầu XL-01, XL-02 khẩn trương kiện toàn lại nhân sự, thay thế, bổ sung nhân lực để đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của dự án.
Nói về công việc sắp tới, ông Roãn cho biết đã yêu cầu các nhà thầu phải tận dụng thời tiết khô ráo, tập trung nhiều mũi thi công chia sản lượng ra từng ngày: “Chỉ còn một năm nữa là phải hoàn thành toàn bộ dự án, thời gian rất gấp rút. Phấn đấu đến tháng 5/2022 thảm xong lớp bê tông nhựa mặt đường lớp 1 hoặc lớp nhựa thứ 2”.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều 99km đường cao tốc và 2,35km đường nối với QL1, có 4 gói thầu xây lắp.
Trong đó, tuyến cao tốc đi qua Bình Thuận dài 47,67km, đoạn qua Đồng Nai dài 51,33km. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Mạnh tay xử lý nhà thầu chậm trễ
Hiện nay, khó khăn nhất là dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo. Ngoài việc chưa giải quyết được vấn đề đất đắp, việc nhiều cán bộ, kỹ sư công trường bị mắc Covid-19, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và tiến độ dự án.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT, Ban QLDA 7, tỉnh Bình Thuận, những khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp đã từng bước tháo gỡ.
Ông Đinh Công Minh, giám đốc Ban QLDA 7 cho biết đã mời đích thân chủ tịch, tổng giám đốc các đơn vị thi công họp tại công trường để kiểm điểm tình hình thực hiện dự án, đánh giá nguyên nhân chậm trễ.
Đồng thời, ký cam kết về khối lượng thực hiện một số hạng mục chính, sản lượng thực hiện, giải ngân từ nay đến cuối năm 2021 và cam kết hoàn thành dự án theo hợp đồng trong năm 2022.
“Khó khăn nhất là nguồn vật liệu đất đắp đến nay cơ bản được giải quyết, tiến độ còn lại phục thuộc vào thái độ của các nhà thầu, Ban 7 sẽ căn cứ hợp đồng để xử lý những đơn vị nào làm chậm”, ông Minh nói và cho biết đầu tháng 11 vừa qua, Ban QLDA 7 đã có văn bản xử lý vi phạm theo quy định hợp đồng lần 1 với 6 nhà thầu, nếu tiếp tục chậm trễ sẽ Ban sẽ báo cáo Bộ GTVT xử lý cắt chuyển khối lượng chậm trễ theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận