Mưa lớn dễ dẫn đến lũ ngập, lụt
Ngày 4/8, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhiều ô tô bị mắc kẹt trong bùn, đất được cho là trên địa bàn xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Lãnh đạo UBND xã Minh Phú xác nhận sự việc trên và cho biết, xã đã huy động lực lượng, máy xúc để xử lý. Vụ việc không gây thiệt hại về người.
Tuy nhiên đến thời điểm này các phương tiện vẫn chưa thể dời khỏi khu vực sạt lở đất. "Máy xúc đã múc được một lượng lớn đất, chúng tôi đang khắc phục trong thời gian sớm nhất", lãnh đạo xã chia sẻ.
Lở đất tại khu vực hồ Ban Tiện, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Hiện tượng mưa lớn gây ngập lụt cũng xảy ra tại hồ Đồng Đò, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn. Khu vực có nhiều homestay cách hồ Ban Tiện khoảng 3km.
Lãnh đạo xã Minh Trí cho biết, từ sáng khi nhận được thông báo sự việc, lãnh đạo, cán bộ xã đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra, xử lý.
Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đang đặt các biển cảnh báo, xúc bùn để giải phóng đường đi. Hiện khu vực này đã đặt các biển cảnh báo, xúc bùn đất để giải phóng đường đi. Sự việc không gây thiệt hại nào về người.
Cũng trong sáng nay, trên quốc lộ 6 đoạn qua địa bàn huyện Mai Châu đã xảy ra sạt lở, đá rơi trúng vào một ô tô. Phần đầu ô tô bị đá đè biến dạng, kính sau vỡ, xe bị đẩy sát vào dải hộ lan ven đường. Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hòa Bình, vụ việc may mắn không có thương vong về người.
Các địa phương cần chủ động ứng phó lũ quét
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có văn bản gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ về ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Theo đó, từ đêm 1/8 đến 3/8/2023, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to, có nơi trên 200mm; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có nơi trên 150mm, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập lụt tại các khu vực trũng thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh thực hiện: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận