Trong một thông báo, Hải quân Hàn Quốc cho biết: “Cuộc tập trận được cho là nhằm cải thiện năng lực của hải quân 3 quốc gia trong phản ứng trước mối đe doạ tàu ngầm ngày càng gia tăng từ Triều Tiên".
Cuộc tập trận diễn ra trong 1 ngày và là hoạt động huấn luyện hàng hải quan trọng của Nhật – Hàn – Mỹ vốn tạm dừng từ năm 2017 vì Chính phủ cựu Tổng thống Hàn Quốc muốn cải thiện quan hệ liên Triều, đặt nền móng cho các cuộc đối thoại phi hạt nhân hoá giữa Bình Nhưỡng và Washington dù sau đó rơi vào bế tắc từ năm 2019.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ là một trong những chiến hạm uy lực tham gia cuộc tập trận hải quân ba bên giữa Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản
Cuộc tập trận được tổ chức trên vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển phía Đông bán đảo Triều Tiên, tại thời điểm chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo ra bờ biển phía Đông và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới thăm Hàn Quốc và khu phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Cùng thời điểm này, theo một tổ chức cố vấn có trụ sở tại Mỹ, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị ra mắt tàu ngầm mới có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.
Đồng thời, quân đội Hàn Quốc cũng phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Theo chương trình tập trận, hải quân ba nước sẽ theo dõi một phương tiện mô phỏng tàu ngầm Triều Tiên đồng thời trao đổi thông tin với nhau.
Hoạt động này có sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường 9.800 tấn USS Chancellorsville, tàu khu trục USS Barry được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis cùng các tàu khu trục Munmu the Great 4.400 tấn của Hàn Quốc và các tàu chiến khác – theo thông tin từ Hải quân Hàn Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận