Sở GTVT đang đề xuất UBND TP.HCM xây dựng lại phương án phân phối nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt, trong đó có trích lại một phần cho đơn vị vận tải, chủ phương tiện và đơn vị trực tiếp thực hiện đề án. Ảnh: Đỗ Loan
Đặt kỳ vọng thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ quảng cáo trên xe buýt nhưng Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TP.HCM) có đến 5 lần thất bại khi tổ chức đấu giá. Một trong những nguyên nhân là giá quảng cáo được duyệt khá cao so với mặt bằng thị trường và chính các đơn vị vận tải cũng chưa được hưởng lợi từ chủ trương này.
5 lần đấu giá chỉ 1 doanh nghiệp trúng thầu
Đề án “Quảng cáo trên phương tiện giao thông (xe buýt) trên địa bàn TP.HCM” được khởi động từ năm 2007, sau 7 năm “nâng lên đặt xuống”, đến năm 2014 mới được triển khai lại. Thế nhưng, đề án cũng phải chỉnh sửa nhiều lần và cuối cùng gút lại chỉ thí điểm trên 10 tuyến với 156 xe buýt vào tháng 4/2016.
Và phải đến tháng 5/2017, hơn 2.000 xe buýt của TP.HCM mới được kinh doanh quảng cáo sau thời gian thí điểm diện hẹp. Tuy nhiên, thời điểm đó chỉ có một doanh nghiệp trúng đấu giá gói quảng cáo là Công ty TNHH Koa - Sha Media Việt Nam. Doanh nghiệp này trúng thầu quảng cáo trên 492 xe buýt với trị giá 162 tỷ đồng trong 3 năm.
Đề án quảng cáo trên xe buýt chưa đạt được như kỳ vọng, tuy nhiên Sở GTVT TP HCM vẫn không có ý định giao lại cho các DN, nhà xe tự tìm đầu mối quảng cáo. Lý giải điều này, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, ở một số địa phương sở dĩ làm được việc này vì hầu hết là xe buýt không trợ giá. Nhưng tại TP HCM, đấu giá quảng cáo trên xe buýt là với những xe có trợ giá. “Nếu giao lại cho DN tự tìm đầu mối quảng cáo thì mức trợ giá phải tính toán lại vì nguồn thu này là cơ sở xem xét mức trợ giá tăng hay giảm”, vị này nói.
Từ đó đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã có thêm 4 lần tổ chức đấu giá, điều chỉnh hình thức đấu giá, chia nhỏ các gói, nới lỏng điều kiện cho thuê, chia nhỏ số lượng xe ở các gói thầu để phù hợp với năng lực DN nhỏ, linh hoạt thời gian thanh toán… nhưng đều không có doanh nghiệp tham gia. Sở GTVT TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP.HCM cho kết thúc đề án từ ngày 2/1/2021 - thời điểm kết thúc hợp đồng với Công ty TNHH Koa-Sha Media Việt Nam.
Giải thích lý do đề xuất kết thúc đề án quảng cáo trên xe buýt, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong quá trình thực hiện đề án có nhiều vướng mắc. Trong đó, khó khăn nhất liên quan đến vấn đề bàn giao phương tiện cho các đơn vị quảng cáo.
Quá trình thực hiện đề án cũng đã xảy ra những tình huống ngoài ý muốn như: Nhiều xe buýt hư hỏng nặng không thể hoạt động và một số tuyến xe buýt giảm chuyến. Vì thế số lượng xe buýt của gói đấu giá số 1 đã bàn giao không đủ cho Công ty TNHH Koa-Sha Media Việt Nam (đơn vị trúng đấu giá).
Bên cạnh đó, các tuyến buýt hiện đang trong giai đoạn đầu tư thay đổi phương tiện mới, ảnh hưởng đến tính ổn định trong tổ chức khai thác quảng cáo.
Ngoài ra, thực tế một số đơn vị vận tải vẫn chưa đồng tình và chưa tạo điều kiện, hợp tác với trung tâm và đơn vị trúng đấu giá quảng cáo trong việc tổ chức quảng cáo trên xe buýt, gây khó khăn cho đơn vị quảng cáo thi công lắp đặt.
“Một trong những nguyên nhân mà quảng cáo xe buýt không hiệu quả là do giá được duyệt khá cao so với mặt bằng chung của thị trường quảng cáo trên địa bàn TP.HCM nên khó thu hút DN tham gia. Việc ngưng đề án quảng cáo không ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt, tuy nhiên sẽ giảm nguồn thu cho thành phố”, ông Hải nói.
Sau nhiều lần tổ chức đấu giá không thành công, Sở GTVT nhận thấy cần xây dựng đề án mới phù hợp với nhu cầu quảng cáo thực tế nên kiến nghị UBND TP xác định lại số lượng các tuyến buýt (có trợ giá) mang tính ổn định để thực hiện quảng cáo, đồng thời tổ chức thuê đơn vị tư vấn xây dựng lại giá cho thuê quảng cáo trên thân xe buýt phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Đức, đại diện một công ty ở KCX Linh Trung, TP. Thủ Đức cho biết, công ty đang tuyển gấp nhân sự nên tính đến phương án quảng cáo trên xe buýt hoặc trạm dừng. Nhưng sau khi tìm hiểu thì mức giá sàn quá cao. Quảng cáo tràn kính xe buýt có giá từ 135 - 144 triệu đồng/xe/3 tháng, trong khi nhu cầu quảng cáo của công ty chỉ vài tuần.
“Nếu thuê quảng cáo trên xe buýt, mỗi tháng trả 45 triệu đồng/xe, những DN trung bình và nhỏ không gánh nổi. Thuê quảng cáo trên thân xe taxi cũng chỉ từ 2-3 triệu đồng/xe/tháng, thời gian ngắn, dễ chọn lựa, do đó DN sẽ chuyển sang lựa chọn hình thức khác rẻ và hiệu quả hơn”, ông Đức nói.
Để doanh nghiệp chủ động kêu gọi quảng cáo
TP.HCM thu được 162 tỷ đồng trong 3 năm quảng cáo trên thân xe buýt
Theo ông Đỗ Ngọc Hải, số tiền 162 tỷ đồng thu được từ lần đấu giá thứ nhất năm 2017 (cũng là lần duy nhất thành công) đều nộp vào ngân sách thành phố. “Không ai nói trực tiếp là thu từ quảng cáo để trợ giá cho xe buýt nhưng nó được đưa vào nguồn thu thì giúp tăng ngân sách thành phố nên có thể chi được nhiều lĩnh vực hơn…”, ông Hải cho hay.
Hiện nay, tiền quảng cáo từ xe buýt được nộp hết vào ngân sách thành phố nên Sở GTVT đề xuất UBND TP xây dựng lại phương án phân phối nguồn thu. Trong đó có trích lại một phần tỉ lệ phù hợp cho đơn vị vận tải, chủ phương tiện và đơn vị trực tiếp thực hiện đề án nhằm khuyến khích các đơn vị vận tải, các chủ phương tiện hợp tác.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong thời gian tạm dừng phương án đấu giá quảng cáo trên thân xe buýt, để tránh lãng phí, các đơn vị quảng cáo có nhu cầu quảng cáo thương mại trên thân xe buýt tự chủ động liên hệ trực tiếp với đơn vị vận tải để thỏa thuận về giá thuê và đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan về Luật Quảng cáo.
Ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó giám đốc HTX vận tải số 15 cho rằng, Sở GTVT nên thí điểm giao cho các DN tự tìm kiếm, hợp tác quảng cáo trên xe buýt. Khi có chủ trương, tính toán chi phí, phân bổ nguồn thu lại cho các bên sẽ trích nộp tỷ lệ nhất định vào ngân sách. “Hiện nay đơn vị đang cho thuê quảng cáo trên 1 tuyến buýt không trợ giá, chỉ với giá 2 triệu đồng/xe/tháng. Thành phố nên giảm giá cho thuê đối với xe buýt có trợ giá mới tìm được DN quảng cáo”, ông Tạo nói.
“Đơn vị tôi giao xe đầy đủ cho đơn vị quảng cáo thiết kế, tuy nhiên một số đơn vị có tâm lý vì không được lợi gì nên không muốn hợp tác. Thành phố nên có cơ chế hỗ trợ đối với DN, HTX”, ông Tạo nói.
Ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc HTX vận tải 19/5 nhận định: “Trong những năm gần đây, công nghệ quảng cáo phát triển rất nhanh và nếu phương thức quảng cáo trên xe buýt không thay đổi thì chỉ vài tháng sau đã lỗi thời”, ông Triệu nói và đề xuất, để quảng cáo hiệu quả, Sở GTVT nên giao cho các DN, HTX tự tìm đầu mối quảng cáo.
PGS. TS. Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông nhận định: 5 - 10 năm về trước, nhiều DN muốn quảng cáo trên xe buýt nhưng lúc đó thành phố không duyệt. Bây giờ kêu gọi DN tham gia quảng cáo lại không có nhiều đơn vị muốn tham gia vì hình thức quảng cáo nay đã thay đổi. “Trong tương lai, muốn thu hút quảng cáo trên xe buýt, Sở GTVT nên giao lại cho các DN vận tải tự làm. Hình thức quảng cáo cũng cần nghiên cứu lại để thu hút DN tham gia”, ông Mai nói.
Kỳ vọng thu về hơn 800 tỷ nhưng không thành
Theo phương án đấu giá lần thứ 5 (tháng 5/2019) được Sở GTVT TP.HCM phê duyệt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP chia nhỏ thành 71 gói đấu giá trên cơ sở 72 tuyến có trợ giá với tổng số phương tiện là 1.152 xe. Giá trị từng gói có thời gian thực hiện hợp đồng cũng linh hoạt hơn: 6 tháng, 1 năm, 2 năm và 3 năm.
Tỷ lệ tiền đặt trước tương ứng với thời gian thực hiện hợp đồng. Cụ thể, 5% giá khởi điểm của gói đấu giá cho gói thầu thời gian thực hiện hợp đồng 3 năm; 7% giá khởi điểm cho hợp đồng 2 năm; 10% giá khởi điểm cho hợp đồng 1 năm; 15% giá khởi điểm cho hợp đồng 6 tháng.
Số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá sẽ được chuyển thành tiền đặt cọc (bằng chứng thư bảo lãnh của ngân hàng) để đảm bảo thực hiện hợp đồng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Sở GTVT kỳ vọng với phương án đấu giá mới, các gói quảng cáo được chia nhỏ hơn, tiệm cận với nhu cầu của các nhà đầu tư, theo đúng xu hướng của thị trường, lần đấu giá thứ 5 này sẽ thành công, giúp TP thu về số tiền 63 tỷ đồng cho hợp đồng 6 tháng, 126 tỷ đồng cho hợp đồng 1 năm, 252 tỷ đồng cho hợp đồng 2 năm và 378 tỷ đồng cho hợp đồng 3 năm.
Hà Nội: Doanh nghiệp vận tải chủ động khai thác quảng cáo
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện TCT Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, tại Hà Nội, phương thức quảng cáo trên xe buýt không qua đấu thầu như TP.HCM do cơ chế quản lý khai thác loại hình này của 2 thành phố khác nhau.
Cụ thể, tại Hà Nội, xe do DN đầu tư, quảng cáo trên xe do DN chủ động khai thác để bù đắp các nguồn chi phí thiếu hụt.
“Thực tế, ngay cả 13 khoản mục chi phí theo định mức của xe buýt Hà Nội chưa bao quát được hết các chi phí thực tế mà DN phải bỏ ra. Có thể kể đến chi phí đầu tư cho công nghệ, chi phí về dịch vụ tiện ích cho khách hàng. DN không được tính các chi phí như đèn LED thông báo, wifi trên xe buýt, GPS… Khoản tiền thu được từ quảng cáo trên xe buýt cũng không thể bù đắp được những chi phí này”, vị này cho hay.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, mỗi năm, khoản tiền thu từ quảng cáo trên hơn 1.000 xe buýt mà Transerco đang khai thác mang lại cho DN này khoảng trên dưới 10 tỷ đồng. “Nếu so sánh với khoản tiền mà DN đầu tư cho công nghệ, tiện ích nói trên thì chỉ như muối bỏ bể. Chỉ vì thương hiệu, vì chất lượng dịch vụ mà DN vẫn buộc phải đầu tư”, đại diện Transerco thông tin.
Đại diện truyền thông của một DN đang thực hiện quảng cáo trên xe buýt nhiều năm cho hay, muốn quảng cáo trên xe buýt vì nhiều lợi ích. “Quảng cáo trên xe buýt mang đến hiệu quả nhận diện thương hiệu cực lớn không phân biệt DN lớn hay nhỏ. Xe buýt chạy trên đường 10 -18 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, 365 ngày/năm; hình ảnh quảng cáo được dán ở vị trí đẹp, dễ nhìn, diện tích lớn; xe buýt di động cả ngày nên có thể đem thông điệp quảng cáo của đi khắp nơi…”, vị này chia sẻ.
Lê Tươi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận