Chính quyền TP Đà Nẵng đang loay hoay tổ chức dân cư, tổ dân phố - Ảnh: Tấn Việt |
Rắc rối từ sổ hộ khẩu
Hơn 10 năm làm tổ trưởng TDP, ông Nguyễn Thành Phát, Tổ trưởng tổ 166, phường An Khê (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) nhớ như in những lần thay đổi số lượng TDP nơi ông sinh sống. Ông Phát kể, trước đây khi làm Tổ trưởng tổ 49 (phường An Khê), tổ của ông có 85 hộ dân. Đến năm 2012, UBND TP Đà Nẵng triển khai sắp xếp lại TDP theo hướng tăng số tổ, giảm số hộ/tổ (mỗi tổ từ 30 - 40 hộ), ông Phát chuyển sang làm Tổ trưởng tổ 166 với 36 hộ dân.
“Mỗi lần như vậy, tôi có nhiệm vụ đi thu toàn bộ sổ hộ khẩu của các hộ trình lên Công an phường ký xác nhận điều chỉnh, thường chỉ vài ngày là xong. Do vậy, việc thay đổi TDP không mấy phiền hà, quan trọng là tổ trưởng có nhiệt tình với công việc hay không”, ông Phát chia sẻ.
Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ Hướng dẫn tổ chức hoạt động của TDP, thôn quy định: “Ở vùng đồng bằng phải có từ 200 hộ gia đình trở lên; Vùng núi, biên giới, hải đảo phải có từ 100 hộ trở lên… Đối với mỗi TDP phải có 1 tổ trưởng, 1 tổ phó và các tổ chức tự quản khác; Trường hợp TDP có trên 600 hộ có thể bố trí thêm 1 tổ phó”. Ngoài ra, mỗi tổ trưởng TDP đều được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua BHYT hàng năm, nhiệm kỳ tổ trưởng 2,5 năm và không quá 70 tuổi. |
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Thẩm, Tổ trưởng tổ 165 (phường An Khê), việc thay đổi liên tục TDP kéo theo nhiều hệ lụy, rắc rối cho người dân khi làm thủ tục hành chính. “Điều chỉnh sổ hộ khẩu không mấy phức tạp nhưng sau đó còn hàng loạt giấy tờ liên quan khác. Theo tôi cần nghiên cứu kỹ việc sáp nhập, làm một lần nữa rồi thôi để đỡ gây xáo trộn cuộc sống người dân”, bà Thẩm nói.
Theo Chủ tịch UBND phường An Khê Phạm Văn Thái, toàn phường có 203 TDP, tương ứng với 203 tổ trưởng trên tổng số 6.900 hộ dân, nhiều nhất là quận Thanh Khê. Trong khi trước năm 2012, phường này chỉ có 69 TDP. Ông Thái cho rằng: Rắc rối nhất là những người làm giấy tờ xuất nhập cảnh. Bởi khi đó, cơ quan chức năng yêu cầu phải xác minh lại nơi thường trú ghi trong sổ hộ khẩu. Đối với sổ hộ khẩu nhiều lần thay đổi theo TDP, công việc này mất rất nhiều thời gian.
Không những gây phiền toái cho người dân, việc chia tách TDP trước đây còn khiến địa phương “lạm phát” tổ trưởng. Thống kê mới nhất từ Phòng Nội vụ quận Thanh Khê cho thấy, toàn quận có 1.278 TDP. Mức phụ cấp cho tổ trưởng TDP là 605 nghìn đồng/tháng (50% lương cơ bản). Như vậy mỗi tháng, ngân sách của quận “gánh” hơn 773 triệu đồng để chi phụ cấp cho bằng ấy tổ trưởng. Ông Lê Minh Trung, Bí thư Quận ủy Thanh Khê cho biết, việc chia nhỏ TDP trước đây khiến việc quản lý bị manh mún, phân tán. “Ngay như họp cuối năm cũng không đủ ghế ngồi vì quá nhiều tổ trưởng”, ông Trung nói.
Loay hoay tách - nhập
Lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, đầu tháng 8 vừa qua, Sở đã phát hơn 1.000 phiếu điều tra, khảo sát cán bộ tại các cơ quan đoàn thể, mặt trận… Kết quả thu được: Toàn thành phố có 5.749 TDP. Trong đó, số tổ dưới mức quy định của thành phố (dưới 30 hộ) chiếm 38,8%, số tổ có quy mô hộ dân đúng với quy định đạt 52%, còn lại 9,2% số tổ trên 40 hộ.
Trên cơ sở khảo sát, Sở Nội vụ lập báo cáo trình UBND TP Đà Nẵng, nhận định việc sắp xếp TDP hiện hành tạo thuận lợi cho việc quản lý cư trú, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội và truyền đạt chủ trương, chính sách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mô hình này lộ nhiều bất cập như việc quy định không có tổ phó khiến công việc đình trệ mỗi khi tổ trưởng bất khả kháng không thể làm việc. Số lượng TDP quá đông dẫn đến việc tìm kiếm nhân sự làm tổ trưởng gặp khó, kinh phí hoạt động nhiều gây tốn kém ngân sách khi mỗi tháng Đà Nẵng phải chi hơn 3,4 tỷ đồng phụ cấp cho tổ trưởng.
Với những bất cập nêu trên, chỉ sau bốn năm, Đà Nẵng một lần nữa đề xuất sắp xếp lại TDP với quy mô tăng gấp đôi (từ 60 - 80 hộ/tổ, chưa bàn đến thôn) so với hiện nay. Trường hợp đặc biệt không thể chia tách hoặc sáp nhập thì có thể duy trì quy mô dưới 60 hộ nhưng không được dưới 50 hộ hoặc trên 100 hộ. Theo phương án, sau khi tổ chức lại TDP, toàn thành phố còn 2.760 TDP. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hơn 70% ý kiến đồng ý nên tăng quy mô TDP, 29,5% cho rằng quy mô hiện nay là phù hợp. Số phiếu đề nghị giảm ít hộ/tổ hơn nữa chỉ chiếm dưới 1%.
Theo dự thảo (lần 2) Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức TDP do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký phê duyệt (chuẩn bị trình HĐND TP Đà Nẵng lấy ý kiến), tại mỗi TDP sẽ có thêm một tổ phó với mức phụ cấp bằng 30% lương cơ bản. Như vậy, tổng chi phụ cấp hàng tháng theo đề án mới còn hơn 2,6 tỷ đồng/tháng, giảm hơn 800 triệu đồng so với hiện nay.
Trao đổi với Báo Giao thông sau khi nghiên cứu đề án mới, bà Hoàng Thị Thẩm bình luận: “Việc giảm ngân sách chưa thuyết phục vì mức giảm không nhiều. Cùng với đó, ở TDP lại phát sinh vấn đề cũ là khó khăn khi tìm địa điểm họp TDP đủ sức chứa gần 100 người. Còn ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê khẳng định: Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, hầu hết ý kiến đồng tình nên sáp nhập lại các TDP để hoạt động hiệu quả hơn”.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận