Cầu Cậy được xây dựng từ năm 1986 có chiều dài 110m nằm trên đường tỉnh 394 giáp ranh giữa hai xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng và xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Cầu có thiết kế nhỏ hẹp, phần dành cho xe cơ giới chỉ rộng 4m chỉ đủ 1 làn ô tô di chuyển. Vì vậy, nhiều năm qua cầu Cậy phải gánh một lượng xe cộ lớn qua lại nên thường xuyên ùn tắc, nhất là vào khung giờ cao điểm.
Ông Nguyễn Văn Vinh ở thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang cho biết, có thời điểm lượng phương tiện đông, từng đoàn ô tô, xe máy các loại phải đợi chờ qua cầu kéo dài hàng trăm mét. Con đường 394 vốn là tuyến đường chính dẫn về trung tâm huyện Cẩm Giàng về TP Hải Dương nên việc này ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của người dân. Trước đây đã có một số vụ TNGT xảy ra tại cây cầu này. Trong đó có vụ ô tô lao xuống sông Sặt gây chết người…
Cuối năm 2019, mặt cầu Cậy đã hư hỏng nặng. Mặt cầu phía trái tuyến (từ xã Cẩm Đông) bị bong tróc, tạo thành ổ gà rộng, sâu khoảng 7 cm. Sau khi sửa chữa, các vị trí này lại bị hỏng. Gầm cầu ẩm ướt, rỉ nước, khi xe tải đi qua có hiện tượng va đập giữa mặt cầu và dầm thép.
Theo một số người dân phía hai đầu cầu, tình trạng cầu rung lắc khi có xe tải lớn đi qua và từng đoàn xe ùn ứ hằng ngày khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng. Người dân mong muốn cầu Cậy sớm được xây dựng để bảo đảm giao thông an toàn.
Năm 2018, Sở GTVT tỉnh Hải Dương đã đề xuất với UBND tỉnh phương án đầu tư xây cầu Cậy sau khi đã tổ chức họp, thống nhất với UBND các huyện Bình Giang và Cẩm Giàng. Theo đó, cầu Cậy cũ giữ nguyên làm cầu nội bộ và để giảm tải cho cầu mới.
Trước khi có phương án này, năm 2017, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt đề xuất báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng cầu Cậy theo hình thức BOT và đã hoàn thành lựa chọn sơ tuyển nhà thầu. Sau đó, Nghị quyết 437 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các dự án BOT không đầu tư các dự án đường độc đạo hiện hữu nên cầu không được triển khai.
Ngay sau đó, cầu Cậy được đề xuất xây dựng theo hình thức BT. Nhưng Bộ Tài chính đã có ý kiến tạm dừng sử dụng đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Vì vậy, dự án cầu Cậy một lần nữa phải tạm dừng.
Ông Vũ Văn tùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương cho biết, phương án làm cầu Cậy theo đề xuất năm 2018 là khả quan nhất. Chi phí xây dựng khoảng 178 tỷ đồng, gồm cả xây dựng và giải phóng mặt bằng, sẽ được phân chia khối lượng, vốn đầu tư giữa hai huyện Cẩm Giàng và Bình Giang.
Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Hải Dương vẫn chưa có quyết định cụ thể về phương án xây dựng cầu Cậy mới. Việc đi lại và đời sống của người dân vẫn chịu nhiều ảnh hưởng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận