Bất an với “hà bá” và “cát tặc”
Những ngày qua, triều cường dâng cao đã khiến nhiều khu vực ở ĐBSCL bị sạt lở.
Một điểm sạt lở ở Cần Thơ.
Tại tỉnh Trà Vinh, triều cường dâng cao, dòng chảy mạnh kết hợp với mưa lớn kéo dài, thường xuyên đã làm sạt lở, dòng xoáy ăn sâu vào chân đê bao một số khu vực ở huyện Cầu Kè từ 2-5m.
UBND tỉnh Trà Vinh đã phải công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở các đoạn đê bao ven sông Hậu (thuộc các xã Ninh Thới, Hòa Tân của huyện Cầu Kè), với tổng chiều dài là 312m.
Còn tại Đồng Tháp, vừa qua tại khu vực bờ sông Tiền đoạn qua xã Tân Quới (huyện Thanh Bình) bị sạt lở khoảng 30m, ăn sâu vào đất liền 22m, gây thiệt hại 2 ngôi nhà.
Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức di dời khẩn cấp 17 hộ dân khỏi vùng nguy hiểm.
Chuyện sạt lở vốn là quy luật tự nhiên ở ĐBSCL. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng này diễn ra ngày càng nghiêm trọng, bất thường hơn với nguyên nhân do khai thác cát quá mức và trái phép.
Mới đây, Công an huyện Vũng Liêm đã làm việc và củng cố hồ sơ để xử lý hình sự đối với một trường hợp khai thác cát sông trái phép.
Trước đó, vào lúc 0h ngày 5/9, trên tuyến sông Cổ Chiên, Công an xã Quới Thiện kết hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy Công an huyện Vũng Liêm phát hiện một ghe gỗ đang khai thác khoáng sản trái phép tại thủy phận ấp Rạch Sâu, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm nên đã tiến hành bắt giữ.
Qua làm việc, hai người trên phương tiện vi phạm khai nhận là Nguyễn Văn Đi (43 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) - là chủ phương tiện, và Trương Đình Vũ (51 tuổi, ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Tại thời điểm lập biên bản, trên ghe gỗ đã hút được 9,1m3 cát...
Theo công an các địa phương ĐBSCL, những năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ và tinh vi, mỗi năm phát hiện và xử lý hàng chục vụ.
Khai thác cát trên sông Hậu, đoạn thuộc TP Cần Thơ.
Các nghiên cứu và báo cáo từ địa phương gần đây cho thấy, vấn đề khai thác cát sỏi không bền vững là một trong những nguyên nhân chính gây ra xói lở bờ sông, bờ biển, thúc đẩy quá trình sụt lún công trình hạ tầng diễn ra nhanh chóng.
Khai thác cát tác động đến dòng chảy làm mất ổn định đến đáy sông và hai bên bờ sông. Tác động đến hoạt động vận tải đường thủy, đến tài nguyên nước, tác động đến không khí và tiếng ồn, đến sức khỏe cộng đồng, hệ sinh thái và đa dạng sinh học…
Sự đánh đổi không tương xứng
Theo thống kê, trung bình mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 500ha đất. Trong ba năm (2018 - 2020) thiệt hại hơn 200 tỷ đồng do sạt lở tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau.
Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông. Theo đó, giai đoạn 1998-2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5m. Giai đoạn 2009-2016 độ sâu của lòng sông Tiền, sông Hậu tăng thêm 5-10m. Từ đó kéo theo 66% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn, toàn vùng có 621 điểm sạt lở kéo dài 610km.
Nhu cầu cát xây dựng đang tăng rất cao, dẫn đến tình trạng khai thác ngày càng nhiều, quá mức.
Có một nghịch lý là hoạt động khai thác cát dù được coi là một trong những thủ phạm chính gây sạt lở vẫn đang buộc phải gia tăng để đáp ứng nhu cầu phát triển...
Sự mất cân bằng giữa lượng cát bồi đắp và nhu cầu cát đang đẩy các tỉnh, thành ĐBSCL vào một thế cực khó còn người dân thì bị sạt lở đe dọa thường trực.
Trong khi nguồn thu thuế từ khai thác cát không được bao nhiêu, thì mỗi năm, ĐBSCL phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để chống sạt lở.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) cho rằng hiện tại trữ lượng cát sông ở ĐBSCL còn khoảng 66,6 triệu m3 đã được cấp phép với trữ lượng khai thác khoảng 15 triệu m3/năm.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Chương, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam (Bộ NN&PTNT), thực tế lượng cát khai thác hằng năm ở ĐBSCL có thể lên tới 28 triệu m3, vượt xa con số báo cáo.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận định, tình trạng khai thác cát tràn lan thời gian qua ở ĐBSCL đã làm mất đi hàng trăm triệu tấn cát ở sông Tiền, sông Hậu, đồng thời hạ thấp 2 lòng sông này xuống.
Nghiêm trọng hơn, khai thác cát tạo thành những hố sâu, cát thô và cát trung bình về sẽ bị kẹt lại, không ra được cửa sông, cửa biển như quy luật thông thường của tự nhiên. Dòng chảy “đói” cát làm cho xói lở bờ sông, sạt lở bờ biển sẽ dữ dội.
Từ năm 2019, Dự án “Giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở ÐBSCL” được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam hợp tác cùng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NNPTNT triển khai.
Dự kiến kết thúc vào năm 2024 và được tài trợ bởi Qũy Sáng kiến Khí hậu Quốc tế của Chính phủ Ðức thông qua WWF Ðức.
Dự án tập trung vào 3 nhóm nội dung chính. Cụ thể, xây dựng ngân hàng cát - đo đạc mức cân bằng giữa lượng cát đổ về từ thượng nguồn và lượng cát mất đi do khai thác trên toàn đồng bằng cộng với lượng cát đổ ra biển ở các nhánh chính của sông Tiền và sông Hậu cho năm 2022 với tầm nhìn giai đoạn từ nay đến năm 2030 và năm 2050.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông, xác định được khu vực phải hạn chế/cấm khai thác cát nhằm tránh gây sạt lở bờ sông.
Ðồng thời, xác định lượng cát có thể khai thác mà không gây những hệ lụy đối với hình thái sông, môi trường và sinh kế của người dân đối với những khu vực lượng cát còn nhiều. Dự án cũng nghiên cứu đánh giá trữ lượng và tiềm năng khai thác/sản xuất các vật liệu thay thế cho cát sông và phân tích hiệu quả cùng với tính bền vững của vật liệu thay thế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận