“Khát” nhân sự…
Trong những năm gần đây, thế giới đã và đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển sản xuất mạnh mẽ, trong đó, Việt Nam được xem là một trong những nước tiềm năng đón đầu ngọn sóng dịch chuyển này. Theo các chuyên gia, để làm tốt vai trò đón đầu, logistics là một trong những mắt xích quan trọng không thể thiếu trong hoạt động thương mại, giao thương toàn cầu.
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Buổi làm việc của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (Valoma) và Công ty Cổ phần Hàng hải VSICO.
Tuy nhiên, để loại hình dịch vụ này phát huy hết vai trò, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thì phải giải quyết vấn đề về thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao về chuyên môn.
Tại buổi làm việc giữa Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (Valoma) và Công ty Cổ phần Hàng hải VSICO – Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch danh dự Valoma khẳng định, hiện trạng tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics và dự kiến đến năm 2030 nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực. Tại các doanh nghiệp logistics, vấn đề nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, do vậy cần đẩy mạnh thu hút nhân lực ngành logistics phục vụ nhu cầu phát triển trong các doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng, việc thiếu nguồn nhân lực chính là “điểm nghẽn” cần phải giải quyết nhanh chóng và hiệu quả để phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dịch vụ logistics nói riêng. Tuy nhiên, chính “điểm nghẽn” này lại mở ra cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp rất lớn cho những ai biết nắm bắt.
Nhiều cơ hội việc làm
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, để bắt kịp với xu thế của quốc tế thì yêu cầu về nhân lực chất lượng cao càng được chú trọng.
Ông Lê Trọng Quân, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng hải VSICO chia sẻ, VSICO là hãng tàu container nội địa hoạt động trong lĩnh vực vận tải container trong nước và quốc tế.
Nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Logistics đang là "cơn khát" của các doanh nghiệp.
VSICO đang từng bước phát triển mạnh mẽ các tuyến container trong khu vực; hướng đến mục tiêu mở rộng khai thác tuyến vận quốc tế ở các chặng dài, chặng xa. Ngoài đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ngành Logistics, VSICO sẵn sàng tiếp nhận sinh viên của các trường hội viên của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam đến thực tập và làm việc tại doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ buổi làm việc nhằm chia sẻ, giao lưu phát triển thế mạnh của ngành logistics Việt Nam, ông Bùi Quý Thuấn, Giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, ngành logistics còn khá trẻ, nhiều trường đại học cũng mới bắt đầu triển khai đào tạo và phát triển nhân lực. Việc hợp tác với các doanh nghiệp cho sinh viên thực tế là điều cần thiết. Kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thì mới thay đổi được tư duy của sinh viên khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Theo các chuyên gia, cần phải có định hướng phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics ngay từ bây giờ nhằm thích ứng trước những biến động và rủi ro. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sự cấp thiết của việc xây dựng chiến lược nguồn nhân lực, để từ đó hướng đến sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.
Theo Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với lĩnh vực dịch vụ logistics, Chính phủ định hướng sử dụng, đầu tư hiệu quả phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức tuyên truyền khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics. Thiết lập mạng lưới trung tâm phân phối nhiều cấp (cảng cạn, kho, bãi hàng hóa) và các tuyến vận tải thu, gom hàng hóa trong các đô thị lớn và các vùng kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ dịch vụ vận tải, logistics đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận