Thế giới giao thông

Lời cảnh báo từ vụ sập cầu Francis Scott Key khiến nước Mỹ bàng hoàng

29/03/2024, 06:09

Theo giới chuyên gia, vụ sập cầu Francis Scott Key vừa qua là hồi chuông cảnh báo với nước Mỹ về thực trạng hàng chục nghìn cây cầu đã lỗi thời, xuống cấp.

Tiếng nổ trong đêm

Đêm 26/3, con tàu container mang tên Dali treo cờ Singapore chất đầy hàng, ra khỏi bến cảng Baltimore lên đường tới Sri Lanka. Đến gần đoạn qua gầm cầu Francis Scott Key (hay còn gọi là cầu Key), tàu bất ngờ mất điện, thủy thủ vội cảnh báo khẩn, đề nghị giới chức địa phương điều hướng giao thông tránh qua cầu. 

Lời cảnh báo từ vụ sập cầu Francis Scott Key khiến nước Mỹ bàng hoàng- Ảnh 1.

Hiện trường vụ sập cầu Francis Scott Key.

Cuối cùng, một tiếng rầm động trời vang lên, tàu Dali đâm vào trụ cầu, phần lớn của cây cầu dầm thép gần 50 tuổi đổ rầm xuống sông. Lúc này có 8 công nhân đang thi công bảo trì mặt cầu đã bị rơi xuống khiến 6 người mất tích và được cho là đã tử nạn. Hiện cơ quan chức năng đã kết thúc mọi hoạt động tìm kiếm. 

Sự việc khiến nước Mỹ bàng hoàng và cần câu trả lời rõ ràng. Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ đã triển khai điều tra viên tới hiện trường. 

Thống đốc Maryland, ông Wes Moore khẳng định chất lượng cây cầu hoàn toàn ổn định. Những hình ảnh ghi lại cảnh tượng lúc sập cũng cho thấy cấu trúc cầu không có vấn đề đặc biệt. Tuy nhiên theo các chuyên gia, qua vụ việc, cần có đánh giá tổng thể hệ thống cầu trên toàn nước Mỹ. Bởi phần lớn trong số đó không còn phù hợp với xu hướng phát triển của phương tiện vận tải hiện nay. 

Cầu không đủ an toàn nếu bị tàu va chạm

Francis Scott Key là cây cầu dài nhất ở khu vực đô thị Baltimore có chiều dài gần 3km, là một trong những tuyến đường huyết mạch đông đúc nhất của Mỹ, được hoàn thành từ năm 1977.

Ông Andrew Barr, chuyên gia ngành kỹ thuật dân dụng tại Đại học Sheffield cho biết, tuy video ghi lại sự việc từ xa không cho thấy rõ điều gì, nhưng thực tế cây cầu này không có thiết kế để chống chọi trước các vụ va chạm với tàu container cỡ lớn như vậy.

Cầu Francis Scott Key không có hạ tầng bảo vệ bổ sung để ngăn nguy cơ bị tàu va chạm, trong khi rủi ro này ngày càng lớn vì thiết kế và kích thước của tàu chở hàng đang lớn dần theo thời gian. 

Riêng một thập kỷ qua, trung bình kích thước tàu container đã tăng khoảng 50%. Như tàu Dali dài khoảng 300m, rộng khoảng 48m.

"Vụ sập cầu một lần nữa dấy lên lo ngại về toàn bộ hệ thống cầu trên toàn nước Mỹ. Trong đó, hơn 1/3 số cầu đang cần phải sửa chữa", ông Barr dẫn số liệu từ Hiệp hội Xây dựng giao thông và cầu đường Mỹ. 

Theo ông Rick Geddes, chuyên gia chính sách về hạ tầng, Giám đốc chương trình chính sách hạ tầng Đại học Cornell, có hơn 43.000 cây cầu bị xếp trong diện có vấn đề về cấu trúc, tiềm ẩn nguy cơ bị sập nếu phải đối mặt với những sự cố bất ngờ, do thiên tai hay thậm chí trong trường hợp bị cố ý phá hoại.

Cần tái thiết hạ tầng

Theo ông Geddes, đứng trước các nguy cơ, việc cần thiết là luôn phải chú trọng cải thiện độ bền khi tái thiết hạ tầng cũ, tăng cường biện pháp bảo vệ. 

Lời cảnh báo từ vụ sập cầu Francis Scott Key khiến nước Mỹ bàng hoàng- Ảnh 2.

Tàu Dali chất đầy container lao vào trụ cầu.

"Thảm họa vừa xảy ra ở Baltimore như một cơ hội để tái thiết hạ tầng Mỹ theo hướng thông minh. Trong đó, tăng cường sử dụng vật liệu cũng như các thiết kế mới, lắp thêm các thiết bị cảm biến trên cầu để giảm nguy cơ va chạm trong tương lai", ông Geddes khuyến cáo.

Việc tái thiết hạ tầng giao thông vốn không phải là vấn đề mới. Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh tình trạng cầu đường của Mỹ lạc hậu, coi đây là động lực để thúc đẩy thông qua dự luật về hạ tầng vào năm 2021. Trong luật này, chính quyền Mỹ dự chi 110 tỷ USD để nâng cấp đường bộ và cầu, song tốc độ cải thiện vẫn đang chậm.

Gần đây, Tổng thống Mỹ đã tới thăm và chứng kiến tận mắt một cây cầu xuống cấp ở bang Wisconsin sau khi chính quyền địa phương kêu gọi chính phủ liên bang rót vốn để sửa chữa. Tại sự kiện, ông Biden phát biểu: "Hàng chục năm qua, chúng ta đã nói rất nhiều về việc cần sửa chữa cây cầu, nhưng đến tận ngày hôm nay vẫn chưa làm được.".

Nguy cơ còn rình rập ở phía trước khi mỗi ngày có khoảng 167 triệu lượt người di chuyển qua những cây cầu đang xuống cấp ở nước Mỹ. 

Đối với cầu Francis Scott Key vừa sập, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay lập tức cam kết huy động mọi nguồn lực để khắc phục và xây lại cầu, đồng thời mở lại cảng của Bờ Đông nước Mỹ nhanh nhất có thể.

Do vụ sập cầu, hoạt động tại cảng Baltimore (lớn thứ 9 của Mỹ) đang bị đảo lộn. Việc cây cầu sập chắn ngang sông Patapsco làm tê liệt hoạt động lưu thông trên cầu cũng như luồng hàng hải từ cảng Baltimore.

Có 35.000 người sử dụng cầu Francis Scott Key để đi lại hàng ngày. Trong khi đó, cảng Baltimore tạo ra hơn 15.000 việc làm trực tiếp. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất là các nhà chế tạo xe hơi, khai thác than đá (Baltimore là một trong những điểm xếp dỡ hàng quan trọng nhất tại Mỹ). Năm 2023, cảng Baltimore xử lý khoảng 52,3 triệu tấn hàng với tổng giá trị khoảng 80,3 tỷ USD.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, các công ty chuyên về vận tải hàng hóa cho nhà cung ứng và các cửa hàng gấp rút điều động xe tải đến các cảng khác ở Bờ Đông để nhận hàng, điều hướng khỏi cảng Baltimore.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.