Tiền không bị đọng trong tài khoản giao thông
Công ty TNHH Thu phí tự động VETC vừa được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gồm dịch vụ ví điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ và chi hộ.
Thay vì chỉ sử dụng cho chi trả phí giao thông, tài khoản ETC của chủ phương tiện sẽ được dùng cho nhiều mục đích khác - Ảnh minh họa
Việc đầu tư, hoàn thiện các điều kiện theo giấy phép cũng giúp tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với giao dịch, số dư tài khoản ETC.
Bên cạnh tuân thủ quy định chuyên ngành của Bộ GTVT về hoạt động ETC, VETC còn phải tuân thủ thêm các quy định giám sát của Ngân hàng Nhà nước về trung gian thanh toán, tăng cường tính công khai minh bạch tài khoản ETC, nâng cấp hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật…
Việc VETC được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, ví điện tử là cột mốc quan trọng trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giao thông ở Việt Nam.
Thay vì chỉ dùng cho trả phí giao thông, khi VETC được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sẽ giúp chủ tài khoản sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng của VETC thanh toán các phí dịch vụ khác như đỗ xe, cảng biển, sân bay, xăng dầu… cũng như một số dịch vụ khác theo quy định.
Theo PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (VARSI), ngoài thanh toán phí đường bộ, chủ phương tiện không được phép sử dụng số tiền đã nạp vào tài khoản giao thông cho các mục đích khác, không được rút tiền đã nạp để dùng vào mục đích cá nhân.
"Việc tài khoản giao thông thành ví điện tử giúp chủ phương tiện được sử dụng số tiền họ đã nạp vào các mục đích khác khi chưa thanh toán phí đường bộ. Chủ phương tiện cũng được hưởng lợi khi các dịch vụ giao thông phát triển hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt, như dịch vụ bãi đỗ xe, mua xăng, dầu, nộp phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ", ông Chủng nói.
Tiến tới không dùng tiền mặt trong thanh toán giao thông
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức nhìn nhận, với 4,6 triệu xe đã được dán thẻ ETC và sử dụng dịch vụ, phương án nâng cấp tài khoản giao thông thành ví điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dùng.
“Khi là tài khoản giao thông, chủ phương tiện phải mất phí khi chuyển tiền từ tài khoản cá nhân và tài khoản giao thông. Ngược lại, các ví sẽ tự động trừ tiền và không bị mất phí.
Ngoài việc tuân thủ quy định chuyên ngành của Bộ GTVT về hoạt động ETC, tài khoản giao thông còn phải tuân thủ quy định về quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước về trung gian thanh toán nên sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch tài khoản ETC”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, Chính phủ cần đưa ra quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và thanh toán dịch vụ vận tải công cộng đô thị.
Phải phối hợp và kết nối tất cả các bộ, ngành, đơn vị liên quan để đưa ra những chính sách cụ thể, nhằm giảm thanh toán tiền mặt, tạo sức ép cũng như cơ chế khuyến khích thúc đẩy thanh toán điện tử.
Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN cho hay, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai thu phí tự động không dừng đã dần đi vào nền nếp. Thành công này tạo tiền đề quan trọng để chuyển đổi số, không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, tiến đến phát triển giao thông số tại Việt Nam.
"Bộ GTVT đưa ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh, thu phí điện tử không dừng được triển khai tại tất cả các trạm thu phí, tiến tới xóa bỏ thu phí bằng tiền mặt. Giai đoạn đến năm 2030 xóa bỏ các giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao thông vận tải; 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán cho các dịch vụ giao thông đường bộ", ông Toàn cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận