An ninh hình sự

Lợi dụng dịch Corona bán khẩu trang giá "trên trời” có thể bị ngồi tù

01/02/2020, 06:50

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, những người lợi dụng dịch Corona bán khẩu trang giá "trên trời" có thể bị xử lý hình sự.

img
Giá khẩu trang đang bị đẩy lên cao ngất ngưởng

Mấy ngày nay, để ngăn ngừa dịch do virus Corona, người dân đổ xô đi mua khẩu trang, giá mặt hàng này bị đẩy lên gấp 4-5 lần, thậm chí có nơi là 10 lần.

Khảo sát của PV Báo Giao thông cho thấy, khẩu trang Nhật Unicharm 3D Mas bình thường giá khoảng 15 nghìn đồng/túi (3 chiếc), chiều 31/1, tăng lên 45-50 nghìn đồng/túi. Khẩu trang N95 - loại quảng cáo ngăn được bụi mịn, virus giá khoảng 400-450 nghìn đồng/hộp 25 chiếc. Khẩu trang dùng một lần bình thường giá 50 nghìn đồng/50 chiếc, nay có giá 200 nghìn đồng/50 chiếc...

Dù vậy, rất nhiều khách hàng vẫn phải "cắn răng”, xếp hàng, tranh nhau mua khẩu trang để phòng dịch Corona.

Trên mạng xã hội Facebook đang bàn tán xôn xao về giá của những chiếc khẩu trang. Rất nhiều người cho rằng những nơi bán khẩu trang đắt gấp 5 đến 10 lần ngày thường là thất đức, “làm giàu trên sự sợ hãi của người khác”.

Những người hiểu biết pháp luật còn cho rằng hành vi tăng giá cao bất thường như vậy còn vi phạm pháp luật.

Có thể bị xử lý hình sự

Bàn về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ chí Minh) cho hay, đối với mặt hàng khẩu trang y tế được xem là mặt hàng cơ bản, thiết yếu để người dân phòng chống dịch bệnh Corona.

Hiện nay, tại các nơi bán với giá rất cao, gấp chục lần so với bình thường gây hoang mang xã hội. Tại Điều 15 Luật giá năm 2012 quy định, hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí sau: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.

UBND cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá do Chính phủ quyết định và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ; trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quyết định biện pháp bình ổn giá cụ thể tại địa phương.

Luật giá năm 2012 nghiêm cấm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có các hành vi: Bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ; Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý…

img
Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)

Luật sư Bình cũng dẫn giải, theo Điều 17 Nghị định 109 năm 2013 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý .

Về hình sự, theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với Tội đầu cơ: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính, thì bị phạt tiền từ 30 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Xử lý nghiêm hành vi sản xuất khẩu trang giả

Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Bộ TCVN 8389:2010 khẩu trang y tế. Nếu có căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng thì tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) hiện đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương tăng cường công tác quản lý nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa; đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus Corona để trục lợi hoặc vận chuyển buôn bán hàng giả.

Nếu phát hiện các hành vi trên có dấu hiệu tội phạm, Bộ Công thương sẽ chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.