Muôn trạng sử dụng gầm cầu
Từ năm 2020, sau khi được Chính phủ cho phép, UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án của Sở GTVT tạm sử dụng 3 gầm cầu Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Vĩnh Tuy làm nơi trông giữ phương tiện.
Dự thảo Luật Đường bộ cho phép sử dụng gầm cầu làm bãi giữ xe (trong ảnh: Gầm cầu Vĩnh Tuy nhiều năm được thí điểm sử dụng làm bãi giữ xe khá hiệu quả). Ảnh: Tạ Hải.
Sáng 18/7, có mặt tại gầm cầu Vĩnh Tuy (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), PV Báo Giao thông ghi nhận bãi trông giữ xe đang hoạt động tại đây với quy mô khá lớn. Đoạn từ cột T2 - T14 kéo dài gần 1km, được chia làm nhiều khu trông giữ, tổng cộng lên đến cả nghìn chiếc.
Bãi xe dưới gầm cầu này được quây kín bằng hàng rào lưới sắt. Bên ngoài bãi có cắm biển do Sở GTVT Hà Nội cấp phép cho Công ty TNHH Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nhưng không ghi thời hạn. Bên trong, công ty kê bàn ghi vé, có bình cứu hỏa và 2 người túc trực hướng dẫn khách ra, vào.
Cách đó không xa, khu vực gầm cầu Ngã Tư Vọng, lúc 7h30 sáng cùng ngày, các phương tiện ra vào tấp nập. Một nhân viên cho biết, mỗi ngày có từ 700 - 800 xe máy, ô tô vào gửi, chủ yếu của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân các bệnh viện quanh đó gửi trong ngày.
Chỉ một số ít gửi qua đêm, theo tháng. “Diện tích điểm trông giữ rộng tới hàng nghìn mét vuông, ít khi quá tải”, nhân viên này nói.
Trong khi đó, tại các gầm cầu lớn như Thăng Long, Nhật Tân… diện tích rất rộng song hoang tàn, cỏ mọc um tùm, trở thành nơi đổ rác, phóng uế bừa bãi. “Nếu cho trông giữ xe, tình trạng này sẽ chấm dứt vì có người quản lý”, anh Nguyễn Tiến Thắng, nhà ở gần cầu Nhật Tân nói.
TP.HCM cũng có hàng trăm cây cầu lớn nhỏ, tuy nhiên phần lớn gầm cầu trong số này đang bị chiếm dụng làm nơi buôn bán hoặc nơi trú ngụ của người vô gia cư. Điển hình là cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, Nhị Thiên Đường (quận 8), Nguyễn Văn Luông (quận 6), Phú Xuân, Phú Mỹ (quận 7)…
Những gầm cầu không bị chiếm dụng để bán hàng thì biến thành nơi tập kết rác, để vật liệu, điển hình như cầu Bình Lợi, Bình Triệu…
Theo Sở GTVT TP.HCM, khoảng 10 năm trước, Bộ GTVT ban hành quy định cho phép sử dụng gầm cầu của một số cầu đường bộ làm bãi đỗ xe. Do đó, UBND TP đã cấp phép khai thác sử dụng 6 gầm cầu gồm: Lò Gốm, Nguyễn Tri Phương, Chà Và, Chữ Y, Ông Lãnh và Calmette.
Tuy nhiên đến năm 2017, Thông tư 35/2017 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực, không cho phép được sử dụng các gầm cầu làm bãi đỗ xe. Các bãi xe này đã phải nhanh chóng hoàn trả lại mặt bằng. Kể từ đây, TP.HCM không tổ chức trông giữ xe dưới các gầm cầu.
Đô thị “khát” điểm đỗ
Theo dự thảo Luật Đường bộ, cầu có gầm làm nơi trông xe phải đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật an toàn, không quá tuổi thọ khai thác, không trong thời gian sửa chữa, kiểm định, quan trắc (trong ảnh: Điểm trông giữ phương tiện dưới gầm cầu Ngã Tư Vọng, Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải.
Tại TP.HCM, tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt chưa tới 10%, trong khi các bãi đậu xe ở trung tâm thành phố cũng mới đáp ứng được 30% nhu cầu.
Cả thành phố chỉ có 2 bãi đậu xe trên cao ở quận 1 và Tân Phú, trong khi 4 dự án bãi đậu xe ngầm có kế hoạch 15 năm nay đã bị hủy bỏ. Theo Sở GTVT TP.HCM, nguyên nhân là do vướng mắc thủ tục như đơn giá thuê đất, thủ tục cấp phép phòng cháy chữa cháy, bồi thường giải phóng mặt bằng…
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, để tránh lãng phí hàng trăm gầm cầu đang để không, thành phố đã kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung quy định và hiện đã được đưa vào dự thảo Luật Đường bộ.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng vận tải Sở GTVT TP.HCM cho biết, thành phố có hơn 200 cầu lớn nhỏ. “Nếu được phép, sẽ có các phương án tổ chức khai thác an toàn từng vị trí gầm cầu. Trong đó, ưu tiên sử dụng những gầm cầu cạn có tĩnh không cao. Mỗi gầm cầu chỉ cần trông giữ được 1.000 xe thì đã giảm được áp lực rất lớn cho thành phố”.
Tại Hà Nội, ông Trần Hữu Bảo - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố có gần 8 triệu phương tiện, trong khi diện tích giao thông tĩnh mới đáp ứng được 25% nhu cầu đỗ xe. Hà Nội đang phải tận dụng mọi vị trí có thể để phục vụ nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân.
Hiện Hà Nội có 587 cầu, trong đó có 7 cầu lớn gồm: Vĩnh Tuy, Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Đông Trù, Thăng Long, Phùng. Còn lại 492 cầu nhỏ, trung; 13 cầu vượt nhẹ, 75 cầu đi bộ. Trong số này, chỉ có 3 gầm cầu Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Vĩnh Tuy đang cho trông giữ phương tiện.
Từ tháng 6/2020 đến nay, ước tính mỗi ngày các địa điểm trên trông giữ hơn 2.000 phương tiện, chấp hành tốt các quy định, trông giữ đúng diện tích, thu đúng giá, đảm bảo an ninh, an toàn, không gây ùn tắc.
“Việc trông giữ xe khu vực gầm cầu đã giải quyết một phần nhu cầu của người dân, góp phần giảm áp lực giao thông tĩnh”, ông Bảo đánh giá.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục cho phép sử dụng dụng tạm thời khu vực 3 gầm cầu trên địa bàn thành phố để trông giữ phương tiện giao thông cho đến khi Luật Đường bộ được Quốc hội thông qua.
Cần quy chuẩn riêng phòng, chống cháy nổ?
Ủng hộ đề xuất dùng gầm cầu cạn trông giữ phương tiện, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho hay, nhiều nước cho phép trông giữ xe dưới gầm cầu để giảm áp lực về nơi trông giữ phương tiện.
“Ở Nhật Bản, một số gầm cầu cạn được bố trí làm nơi trông giữ xe, ưu tiên phục vụ người dân đi tàu điện. Hay ở Đức, các gầm cầu cạn đều được đỗ xe cá nhân, trừ các loại xe trọng tải lớn. Ở đó đều được lắp đặt và trang bị hệ thống chống cháy tự động”, ông Bình dẫn chứng và cho rằng, việc này hoàn toàn có thể áp dụng đối với tuyến metro Cát Linh - Hà Đông ở những vị trí phù hợp.
Để phòng, chống cháy nổ, ông Nguyễn Đức Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (đơn vị đang quản lý các điểm đỗ khu vực gầm cầu Chương Dương, Ngã Tư Vọng) thông tin, các điểm đều được đơn vị lắp camera giám sát, bố trí bình cứu hỏa. Đến nay chưa từng xảy ra việc cháy nổ hay mất an toàn giao thông từ hoạt động trông giữ xe.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên Trường Đại học GTVT cũng cho rằng, trong bối cảnh các đô thị lớn đang “khát” bãi đỗ xe, đây là việc nên làm.
“Lo ngại vấn đề an toàn cháy nổ là đúng, song nếu quản lý tốt thì không vấn đề gì. Nhu cầu trông giữ xe được giải quyết, Nhà nước lại thu được tiền, công trình được quản lý, đó là những lợi ích có thể nhìn thấy”, bà Thủy phân tích.
Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng, cần lấy ý kiến các cơ quan liên quan, ban hành một bộ quy chuẩn riêng về phòng cháy chữa cháy, an toàn kỹ thuật đối với các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu.
Không phải gầm cầu nào cũng được trông giữ xe
Trong dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cầu có gầm làm nơi trông xe phải đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật an toàn, không quá tuổi thọ khai thác, không trong thời gian sửa chữa, kiểm định, quan trắc. Gầm cầu thuộc tuyến phố chính không được dùng để trông xe.
Khi dùng gầm cầu trông xe phải thiết kế giao thông đấu nối đường bộ trong khu vực và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.
Điểm cao nhất của xe dưới gầm cầu cách điểm thấp nhất của dầm cầu từ 1,5m. Các xe có khoảng cách với trụ cầu từ 1,5m để bảo trì công trình. Đơn vị tổ chức trông xe dưới gầm cầu phải rời đi nếu cơ quan Nhà nước yêu cầu và không được bồi thường.
Chính phủ sẽ quy định trình tự, thủ tục chấp thuận dùng gầm cầu làm nơi trông xe tạm thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận