Xã hội

Lợi gì khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường?

12/02/2025, 06:28

Nhiều ý kiến cho rằng, việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường đem lại nhiều lợi ích. Trong đó, rõ nhất là giúp tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi (sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025), Bộ Nội vụ đề xuất không tổ chức HĐND cấp quận, phường để giảm đầu mối trung gian, tiết kiệm ngân sách, bảo đảm các chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính được thông suốt.

Giảm bớt bộ máy cồng kềnh ở địa phương

Theo Bộ Nội vụ, ở khu vực đô thị gồm quận, thành phố thuộc tỉnh; phường thuộc quận; phường, xã của thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, không cần thiết tổ chức HĐND.

Lợi gì khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường?- Ảnh 1.

Ngày 30/12/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hạ Long, Quảng Ninh khóa XXV đã thảo luận và thống nhất không tổ chức HĐND tại đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Cổng TTĐT Hạ Long.

Những đơn vị hành chính này chỉ tổ chức UBND, hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính và trực thuộc UBND cấp trên. Chủ tịch và các phó chủ tịch UBND sẽ do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm.

Ngược lại, đối với khu vực nông thôn, bao gồm tỉnh, huyện, xã, thị trấn (ngoại trừ xã thuộc thành phố thuộc tỉnh và xã thuộc thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức đầy đủ cấp chính quyền địa phương gồm cả HĐND và UBND.

Theo Bộ Nội vụ, việc tổ chức chính quyền địa phương hiện nay bộc lộ một số bất cập, đặc biệt là ở đô thị lớn.

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện hành chưa thực sự phù hợp với đặc thù của đô thị, dẫn đến việc Quốc hội phải ban hành các nghị quyết riêng biệt để quy định tổ chức chính quyền đô thị cho Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Một điểm chung trong các nghị quyết này là đều quy định không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Trên phạm vi cả nước, phần lớn đơn vị hành chính vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm cả HĐND và UBND. Điều này khiến bộ máy chính quyền địa phương các cấp cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chưa đáp ứng được mục tiêu tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Trong khi đó, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức chính quyền đô thị bước đầu mang lại những kết quả tích cực; bộ máy tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, giảm đầu mối, cấp trung gian, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Việc không tổ chức HĐND ở một số cấp bảo đảm các chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên và cấp dưới được thông suốt, hoạt động có hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Tinh gọn, nâng cao hiệu quả quản lý

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, trước khi Bộ Nội vụ có đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường trên cả nước, việc tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã được thí điểm ở một số địa phương.

Giai đoạn 2009-2015, việc thí điểm được thực hiện trên 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, thành (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang).

Hiện nay, trong mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang thực hiện ở Hà Nội cũng không tổ chức HĐND phường. Còn với TP.HCM, Đà Nẵng không tổ chức HĐND phường, quận.

Là người tham gia liên tục HĐND 3 khóa và là đại biểu Quốc hội 2 khóa, trực tiếp đi giám sát ở các địa phương, bà Nga chia sẻ: "Tôi thấy vai trò, hoạt động của HĐND cấp xã hiện nay còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau như trình độ chuyên môn hạn chế, cán bộ kiêm nhiệm nhiều dẫn đến chưa phát huy được vai trò trong việc giám sát, thực hiện các công việc theo luật định".

Bà Nga cho biết, kết quả thí điểm ở các địa phương vừa qua cũng cho thấy việc không tổ chức HĐND cấp xã, phường, kể cả HĐND cấp quận đã đem lại nhiều lợi ích.

Rõ nhất là giúp tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong khi đó, việc thực hiện quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân trên địa bàn vẫn được duy trì.

Ai sẽ giám sát thay HĐND?

TS Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để thực hiện không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên cả nước.

"Với những kết quả đạt được trong việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường, tôi cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để thực hiện việc này trên cả nước", ông Chức nói.

Theo ông Chức, khi không còn HĐND quận, phường, cần có các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, các đoàn thể ở quận, phường trong việc giám sát.

"Làm sao để MTTQ ở các cấp địa phương thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đây phải là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đồng thời, MTTQ tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội…

Cùng đó, các cơ quan báo chí cần phát huy tinh thần giám sát, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, nhất là những vấn đề bức xúc của nhân dân đến các cơ quan nhà nước", ông Chức nói.

Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, đề xuất của Bộ Nội vụ là hợp lý trong thời điểm hiện nay. Khi không tổ chức HĐND quận, phường, thị trấn, xã thì thẩm quyền quyết định các chủ trương, nghị quyết về kinh tế - xã hội, đầu tư công, ngân sách sẽ thuộc về HĐND TP, UBND TP.

Việc giám sát chính quyền địa phương sẽ do HĐND cấp tỉnh, TP thực hiện. Kèm theo đó tăng cường vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể và phát huy vai trò giám sát qua các tổ chức cũng như trực tiếp của người dân", bà Nga nói.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ tại phiên họp 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ và Bộ Nội vụ tổng kết bài bản và toàn diện về vấn đề này, lấy ý kiến rộng rãi từ các địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan, cũng như các chuyên gia và nhà khoa học. Việc thu thập ý kiến đa chiều sẽ giúp có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn về thực trạng và nhu cầu.

Sau đó, các cơ quan tiếp tục rà soát và nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung liên quan để đưa ra những đề xuất phù hợp về mô hình chính quyền đô thị trong dự thảo luật.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.