Quản lý

Lợi gì sau gần 10 năm bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình?

27/08/2021, 06:36

Gần 10 năm qua, quy định này góp phần giúp các doanh nghiệp (DN) nâng cao chất lượng phục vụ, hoạt động vận tải cũng an toàn, văn minh hơn.

Lợi ích kép

Khởi đầu quy định lắp thiết bị GSHT được đề cập tại Nghị định 91/2009 khi yêu cầu xe kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị GSHT trước ngày 1/7/2012.

img

Nhờ có thiết bị GSHT, doanh nghiệp vận tải giám sát được hoạt động của phương tiện, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ

Các Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định này sau đó có thay đổi về thời hạn và bổ sung đối tượng bắt buộc lắp đặt thiết bị GSHT. Đến ngày 1/7/2018, gần như đã hoàn thành phổ cập thiết bị GSHT trên tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh nhớ lại, thời điểm đó, nhiều DN vận tải thờ ơ trong việc lắp thiết bị GSHT và vẫn còn tình trạng can thiệp vào phần cứng, gây gián đoạn tín hiệu của thiết bị GPS như lắp công tắc ngắt nguồn, cắt ăngten.

“Có thể mục đích ban đầu khi DN lắp đặt thiết bị GSHT chỉ đơn giản là để đối phó, tránh bị xử phạt. Tuy vậy, những kết quả mang lại trong quá trình khai thác, sử dụng những tính năng của thiết bị GSHT, hệ thống phần mềm quản lý, giám sát trực tuyến đã giúp DN vận tải thấy được nhiều lợi ích. Họ cũng thừa nhận đây là giải pháp có độ tin cậy cao, mang lại những lợi ích bền vững, phát triển thương hiệu cho DN”, ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Trường Thịnh cho biết, nhờ có thiết bị định vị GPS, DN dễ dàng quản lý vận tải hiệu quả, quá trình sử dụng tài sản của DN được rõ ràng, chi tiết, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, tăng khả năng điều hành quản lý và điều hành phương tiện.

“Chỉ cần một máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối internet, đơn vị quản lý, DN giám sát trực tuyến toàn bộ các hoạt động của xe, trong đó có các hành vi vi phạm của lái xe như chạy ẩu, vượt đèn đỏ, bỏ bến, dừng đón khách không đúng quy định…”, ông Thảo nói.

Quản lý tốc độ, giảm TNGT

Không chỉ giúp cơ quan quản lý, DN, thiết bị GSHT còn góp phần kéo giảm TNGT thông qua việc kiểm soát tốt tốc độ phương tiện.

GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, TNGT và hậu quả của nó có liên quan trực tiếp tới tốc độ. Bởi vậy, vi phạm tốc độ là 1 trong 6 hành vi nguy hiểm, rủi ro cao, trực tiếp dẫn tới TNGT.

Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có mối quan hệ rõ ràng giữa tốc độ và số vụ TNGT.

Nếu giảm tốc độ 5% sẽ giảm số vụ TNGT nghiêm trọng tới 30%. Một nghiên cứu khác tại châu Âu cho thấy, khi tốc độ giao thông thay đổi tăng hoặc giảm 1km/h thì tai nạn thay đổi trong khoảng từ 1 - 4% với các đường đô thị và 2,5 - 5,5% đối với đường ở ngoại ô.

“Việc quản lý tốc độ đã và đang được thực hiện khá tốt thông qua thiết bị GSHT. Việt Nam được đánh giá ở thang điểm 7/10 trong cưỡng chế thực thi tốc độ - mức điểm khá cao so với bình quân trên thế giới. Kết quả này góp phần không nhỏ trong giảm sâu số vụ TNGT tại Việt Nam ở cả 3 tiêu chí qua mỗi năm. Hệ thống định vị GPS công nghệ cao bằng việc sử dụng thiết bị GSHT kết hợp với camera giám sát hành trình sẽ được thực hiện tới đây chính là giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp vận tải”, ông Sùa cho biết.

Thăng trầm thị trường thiết bị GSHT, mở ra các hướng đi riêng

GSHT không phải là công nghệ mới mà đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, bên cạnh mặt tích cực, quá trình triển khai cũng có nhiều thăng trầm, bỡ ngỡ.

Nốt trầm đáng nhớ nhất là vào giữa năm 2013, làng vận tải “lao đao” khi Thanh tra các Sở GTVT sử dụng máy in cầm tay để kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị GSHT. Thiết bị GSHT trên xe tuy vẫn hoạt động bình thường nhưng bất cứ lỗi thao tác nào như: Tin nhắn điều khiển in sai cú pháp, máy in lỗi, giắc kết nối máy in tiếp xúc kém... đều không in được và DN vận tải sẽ bị phạt “oan”, DN cung cấp thiết bị cũng không tránh khỏi “liên lụy”.

Nhờ hệ thống GSHT được theo dõi, kiểm soát chặt, tình hình vi phạm về tốc độ xe chạy của lái xe đã giảm đáng kinh ngạc, tới 60 lần. Cụ thể, năm 2015, trung bình cứ 1.000km thì có 11,5 lần vi phạm tốc độ; sau khi siết chặt xử lý qua hệ thống giám sát hành trình, đến năm 2018 chỉ còn 0,19 lần/1.000km.
Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN


Để “gỡ oan” cho các DN, ông Đào Thanh Anh, Giám đốc Công ty Điện tử Bình Anh và ông Tạ Công Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Điện tử Vinh Hiển (VECOM) - những đơn vị tiên phong cung cấp thiết bị GSHT, đã “kêu” lên Thanh tra Bộ GTVT.

Lắng nghe ý kiến của DN, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu ngừng sử dụng máy in để xử phạt.

Chưa được bao lâu, đến cuối năm 2013, nhiều nhà mạng bất ngờ đồng loạt thay đổi block tính cước, khiến giá cước từ đang khoảng 10.000 đồng/tháng, có thể nhảy lên tới cả 100.000 đồng/tháng/xe, khiến nguy cơ đơn vị vận tải và cung cấp thiết bị GSHT gánh chi phí duy trì hàng chục tỷ đồng mỗi tháng.

Đây là gánh nặng lớn đối với DN và đẩy giá cước vận tải lên cao, ảnh hưởng tiêu cực đến hành khách và thị trường vận tải.

Một lần nữa, ông Đào Thanh Anh, ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Công ty Việt Hàn cùng một số DN lại ngược xuôi, cùng với sự hỗ trợ của Bộ GTVT, Hiệp hội vận tải ô tô VN liên tục làm việc với nhà mạng và sau gần 1 tháng, nhà mạng đã trả lại giá cước như ban đầu.

Cũng năm đó, hàng chục DN cung cấp thiết bị khác được lập ra để “chộp giật” và đã bị Thanh tra Bộ GTVT rút giấy phép, nhường chỗ cho những nhà cung cấp có cung cách làm ăn bài bản, uy tín.

Những năm gần đây, thị trường thiết bị GSHT đã tiến tới giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất. Từ khoảng 40 nhà cung cấp thiết bị GSHT, trước sự cạnh tranh khốc liệt, một nửa trong số này “không chịu nổi nhiệt” đã “rời cuộc chơi”. Số còn lại phải “cắn răng” chấp nhận bán dưới giá sản xuất.

Theo một chuyên gia vận tải, DN vận tải trong nước đang được hưởng lợi lớn bởi giá thiết bị và dịch vụ GSHT ở Việt Nam chỉ bằng 50% so với các nước trong khu vực.

Đơn cử, tại Lào giá thiết bị loại cơ bản khoảng 1.150 kíp (khoảng 2,8 triệu đồng), trong khi tại Việt Nam chỉ là 1,4 triệu đồng. Tại Thái Lan, giá dịch vụ cơ bản hàng tháng khoảng 330 bạt/tháng (khoảng 220.000 đồng/tháng), trong khi tại Việt Nam gói cơ bản khoảng 80.000 đồng/tháng.

Mỗi nhà cung cấp thiết bị GSHT muốn tồn tại, đều phải chọn cho mình một chiến lược riêng. Có nhà cung cấp thay vì dàn trải đã co lại tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó lại có nhà cung cấp nỗ lực phát triển công nghệ và dịch vụ vươn ra các thị trường “đại dương xanh” khác như GSHT tàu cá, phần mềm điều hành vận tải, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để thay sức người trong việc đếm khách và cảnh báo vi phạm phòng, chống dịch trên xe.

Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ra đời, trong đó quy định một số loại xe phải lắp camera giám sát (chiếm khoảng 30% số xe lắp thiết bị GSHT) mở ra hướng đi mới cho DN.

Theo một chuyên gia công nghệ, bản chất camera giám sát được Nghị định 10 quy định là một thiết bị GSHT công nghệ 4G nhưng có thêm chức năng ghi nhận hình ảnh.

Tuy nhiên, để ghi nhận được hình ảnh, thiết bị GSHT phải thay đổi công nghệ, từ 2G lên 4G, năng lực xử lý và lưu trữ cũng phải tăng lên. Điều này cũng giống như xu hướng chuyển từ điện thoại đen trắng lên điện thoại thông minh là tất yếu.

Bộ TT&TT có thể sẽ thúc đẩy lộ trình chuyển lên sóng 4G nhanh hơn, không chỉ yêu cầu đối với camera theo Nghị định 10, mà cả thiết bị GSHT 2G có thể chuyển đổi lên 4G sớm hơn dự kiến.

Thách thức về đổi mới công nghệ có tác động lớn đến nguồn lực đầu tư của các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT. Tùy theo nguồn lực mà mỗi nhà cung cấp thiết bị chọn cho mình cách thích ứng khác nhau.

Có nhà cung cấp tự thấy không đủ khả năng nghiên cứu sản phẩm, nhập khẩu thiết bị camera đành chấp nhận trên xe khách duy trì cả hai thiết bị là GSHT và camera, chấp nhận có 2 simcard, lái xe 2 lần thao tác. Có nhà cung cấp tạm thời nhập thiết bị camera để giữ khách nhưng một mặt vẫn nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp có năng lực nghiên cứu, quyết tâm đầu tư sâu cho công nghệ như: Bình Anh, ADSUN, Skysoft, Vietmap… đều theo xu hướng cung cấp thiết bị GSHT tích hợp camera, hứa hẹn một thị trường GSHT luôn đi đầu về công nghệ để song hành cùng vận tải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.