Viên chức sẽ không còn phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc này nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ viên chức, đặc biệt là viên chức trong ngành giáo dục, y tế.
Việc thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã được thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi, có khá nhiều vướng mắc.
Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi, song hiện mới có một vài bộ ban hành thông tư, còn một số bộ chưa ban hành.
Trong khi đó, viên chức tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục, y tế, khoa học công nghệ do chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi nên rất khó để tổ chức thi.
Bên cạnh đó, việc chưa quy định được nội dung thi dẫn tới thi chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm cũng như công việc của viên chức.
Vì vậy, việc thi còn hình thức và không phản ánh được thực chất của việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức qua thi đánh giá.
Đó là chưa kể, viên chức được quy định vị trí việc làm chưa rõ ràng, trong khi số lượng viên chức rất lớn, khoảng gần 2 triệu. Việc tổ chức thi hằng năm khó khăn nên số lượng tổ chức thi được rất ít.
Điều đó dẫn đến những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện buộc phải xếp hàng chưa được thi, ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao trình độ, quyền lợi chính đáng của đội ngũ viên chức, đặc biệt là giáo viên.
Một vấn đề khó nữa là khi thi có tiêu chuẩn điều kiện là phải có chứng chỉ chuyên ngành.
Chẳng hạn phóng viên báo chí muốn thi nâng ngạch báo chí phải có chứng chỉ chuyên ngành báo chí...
Nếu như chưa tổ chức được những lớp này thì viên chức chưa có chứng chỉ và chưa đủ điều kiện dự thi.
Một điều nữa có thể thấy rõ là quá trình thi rất tốn kém, thí sinh cũng phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại.
Rõ ràng, bỏ thi thăng hạng viên chức sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội và đặc biệt hạn chế, giảm được thủ tục hành chính.
Phát biểu tại hội nghị của ngành Nội vụ mới đây, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ thi nâng hạng viên chức và cho rằng, việc bỏ thi này không ảnh hưởng đến công việc và tới đây có thể bỏ một số nội dung thi khác.
Theo Phó thủ tướng, điều quan trọng là hiện nay phải xây dựng được đề án vị trí việc làm để cải cách tiền lương, dù đây là việc này khó.
Về lý thuyết, nếu muốn xây dựng vị trí việc làm và bản mô tả vị trí công việc cần xuất phát từ yêu cầu công việc. Sau khi có các vị trí sẽ sắp xếp người phù hợp.
Tuy nhiên, do bộ máy quá cồng kềnh, nhiều biên chế nên bản mô tả vị trí việc làm phải làm sao để không xung đột, chồng chéo.
Khó khăn nữa là nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ tập trung bao cấp sang thị trường nên việc chuyển đổi các vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức không thể đột ngột.
Cơ chế cho các bộ ngành hoạt động cần xoay chuyển từ từ để phù hợp với từng người, từng địa phương.
Thực tế cho thấy, việc hoàn thiện đề án vị trí việc làm là rất cấp thiết.
Với tinh thần không cầu toàn, vừa làm vừa điều chỉnh, nếu đề án hoàn thành trước 31/3/2024, ba tháng tiếp theo sẽ xây dựng được phương án trả lương, đảm bảo cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1/7/2024.
Có thể nói, khi công chức, viên chức được trả lương theo vị trí việc làm tương xứng năng lực, khối lượng công việc, thay vì theo hệ số cào bằng hiện nay, chắc chắn sẽ là động lực rất lớn để bộ máy vận hành hiệu quả hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận