Phương tiện lưu thông trong hầm đường bộ Hải Vân - Ảnh: Ngô Vinh |
Việt Nam đã và đang đầu tư hàng loạt hầm đường bộ quy mô lớn. Theo các chuyên gia, việc cần thiết hiện nay là phải có cơ chế quản lý, vận hành an toàn và phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của những hầm đường bộ này.
TS.Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN:
Rà soát lại tất cả quy định về quản lý, vận hành hầm
Hiện nay, một số đơn vị trong nước đã có kinh nghiệm quản lý, vận hành, khai thác các hầm đường bộ Hải Vân, Đèo Ngang. Sắp tới, hàng loạt các hầm đường bộ khác trên QL1 như: Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông,… sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng. Tôi cho rằng, vấn đề cấp bách trước mắt là các cơ quan, đơn vị chức năng có thẩm quyền cần phải có đánh giá, tổng kết và rà soát lại tất cả quy định về quản lý, vận hành hầm đường bộ để đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời những tồn tại, bất cập.
Những hầm đã đưa vào sử dụng thời gian qua chủ yếu khai thác theo cách thức một ống hầm dành cho hai làn xe chạy ngược chiều nhau. Tuy nhiên, với những đường hầm có chiều dài lớn, điển hình như hầm Hải Vân (6,3km) việc khai thác như vậy trong thời gian dài sẽ rất khó khăn bởi lưu lượng xe ngày càng tăng cao. Được biết, Bộ GTVT đang chuẩn bị mở rộng thêm một ống hầm Hải Vân từ đường hầm thoát hiểm. Việc xây dựng thêm một đường hầm nữa ở Hải Vân rất cấp thiết. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn thiết kế, cơ quan phê duyệt thiết kế cần phải tính toán phương án và cách thức thoát hiểm một cách hợp lý, khoa học cho hai ống hầm chạy song song, khi không còn đường hầm thoát hiểm cũ.
Một vấn đề lớn đặt ra trong quá trình quản lý, khai thác các hầm đường bộ sắp tới, đó là công tác vệ sinh hầm. Năm 2014, Hội KHKT Cầu đường VN phối hợp với Hiệp hội Hầm thế giới tổ chức một hội thảo quốc tế liên quan đến quy trình vận hành, khai thác hầm đường bộ. Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, với những hầm có chiều dài lớn không nên sử dụng phương pháp vệ sinh bằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện vì rất tốn kém. Họ khuyến cáo dùng phương pháp phun rửa định kỳ. Một điểm nữa cần lưu ý là việc sử dụng điện năng phục vụ trong quá trình khai thác, vận hành hầm đường bộ. Các hệ thống thông gió, hút bụi luôn chiếm tỷ trọng tiêu hao điện năng rất lớn (khoảng 70-80%) trong tổng số lượng điện năng trong quá trình vận hành, khai thác hầm đường bộ dẫn tới chi phí quản lý tăng lên rất cao. Điều này, chúng ta cần phải rà soát, tính toán lại cho hợp lý.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ,Tổng cục Đường bộ VN:
Cấm cửa xe có nguy cơ cháy nổ cao
Có thể nói, công tác quản lý, vận hành hầm đường bộ ở Việt Nam hiện nay tương đối tốt. Quy trình vận hành, khai thác áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới và được các chuyên gia quốc tế về hầm đường bộ đánh giá cao. Theo tôi, quan trọng nhất khi khai thác, vận hành hầm đường bộ là phải đảm bảo các phương tiện lưu thông đúng tốc độ quy định khi qua hầm. Cùng đó là luôn đề cao công tác phòng, chống cháy nổ trong hầm. Theo nguyên tắc, hầm càng dài càng dễ xảy ra nguy cơ cháy nổ. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ này, trong quá trình khai thác, các đơn vị quản lý cần phải ngăn chặn mọi phương tiện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ lớn không được phép lưu thông vào hầm như các xe chở xăng, dầu,…
Đối với hệ thống thông khí trong hầm, trước đây, các hầm đường bộ chủ yếu chỉ có một ống hầm. Vì thế, việc thông khí hơi khó khăn do hai dòng xe chạy ngược chiều trong một ống hầm dẫn tới hiện tượng làm nhiễu dòng khí. Tuy nhiên, các hầm chuẩn bị được đưa vào khai thác thời gian tới như: Đèo Cả, Cổ Mã, Hải Vân 2, Đèo Ngang 2,… đều có hai ống hầm riêng biệt sẽ khắc phục được tình trạng này.
Ông Trần Phúc Tự, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả:
Chuyên nghiệp hóa vận hành hầm
Công ty CP Đầu tư Đèo Cả được Bộ GTVT giao nhiệm vụ tiếp nhận nguyên trạng giai đoạn 1 hầm Hải Vân và tiến hành công tác quản lý, vận hành hầm. Kế thừa kinh nghiệm vận hành thời gian qua, chúng tôi tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện và chuyên môn hóa công tác này.
Theo đó, các cán bộ chuyên trách được tiếp tục đào tạo, tập huấn chuyên sâu. Đèo Cả rà soát, tổ chức lại cơ cấu bộ máy, lập các đơn vị chức năng, phân việc cụ thể. Hệ thống trang thiết bị camera giám sát, phương tiện phòng cháy chữa cháy, xử lý sự cố được tăng cường, đầu tư, giảm thời gian xử lý sự cố xuống mức tối đa đảm bảo yếu tố nhanh, hiệu quả nhất. Mục tiêu cao nhất đảm bảo an toàn lưu thông cho phương tiện, không để xảy ra ùn tắc cục bộ, giảm sự cố phát sinh trong hầm…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận