Ông Nguyễn Bừa, ân nhân của nhiều người qua đèo Hải Vân không may bị TNGT, thủng săm xe |
Hầm Hải Vân đang được mở rộng giai đoạn 2, tiến độ hầm Đèo Cả rất khả quan để có thể cán đích sớm vào giữa năm 2017. Cùng đó, hầm Cù Mông đã được khởi công và hàng loạt dự án hầm đường bộ đã và đang được đầu tư, đưa vào khai thác, mang lại lại hiệu quả to lớn về phát triển KT-XH, thúc đẩy giao thương, đảm bảo ATGT.
Kỳ 1: Ngăn “tử thần” nơi Đệ nhất hùng quan
Được đánh giá là một trong 30 hầm đường bộ (HĐB) lớn nhất thế giới và là hầm xây dựng đầu tiên, lớn nhất tại Việt Nam, sau hơn chục năm khai thác, giai đoạn 1 HĐB Hải Vân phát huy cao tính hiệu quả.
Rùng mình mỗi khi qua đèo Hải Vân
Khi chưa có hầm, con đường qua đèo Hải Vân “vắt” qua Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng là tuyến “độc đạo” trên tuyến thiên lý Bắc - Nam. Đường đèo dài hơn 20 km này vốn được mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” không chỉ bởi sự hùng vĩ, mà còn chứa đựng biết bao hiểm nguy do địa thế hiểm trở, hàng chục khúc cua quanh co uốn lượn, độ dốc cao và các đoạn cua “tay áo”.
Hơn 40 năm bám trụ sống với từng đoạn đèo Hải Vân, chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Đặng Ý (56 tuổi, Liên Chiểu, Đà Nẵng) không khỏi rùng mình khi nhớ lại những vụ TNGT thương tâm, thảm khốc. “TNGT ngày đó như cơm bữa, chẳng tài xế nào không lo lắng và ám ảnh khi đi qua đèo Hải Vân. Mỗi lần qua đèo, ai cũng thở phào. Ngày đó, phương tiện không hiện đại như bây giờ, xe hay bị hư bất thường. TNGT trên đèo như chuyện hên xui vậy, chẳng ai nói trước được điều gì”, ông Ý nói.
Sau gần 5 năm thi công, ngày 5/6/2005 giai đoạn 1 HĐB Hải Vân với tổng mức đầu tư hơn 250 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một phần vốn đối ứng của Nhà nước, chính thức hoàn thành, đưa vào khai thác. Hầm đường bộ đầu tiên và lớn nhất VN này có chiều dài hầm chính gần 6,3 km, chiều rộng 10 m; Gồm 2 làn xe chạy, hệ thống đường thoát nạn… Để vận hành an toàn và ứng phó với các tình huống tai nạn xảy ra, HĐB Hải Vân được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng với 3.140 bóng đèn cao áp có tổng công suất 65MW, 58 camera quan sát, hệ thống báo cháy, chữa cháy… |
Còn nhớ ngay trước dịp chuẩn bị khởi công HĐB Hải Vân, khoảng năm 2004, đoạn cua gần phía Nam chân đèo Hải Vân xảy ra 1 vụ TNGT khiến 14 người thương vong. Ông Ý kể: Lúc đó, chiếc xe tải chạy đến đoạn cua tại Km 910+50 bất ngờ mất phanh đâm vào taluy rồi lao về phía xe khách đang dừng đỗ, sửa xe bên đường, nơi hàng chục hành khách đang xuống đường để nghỉ tạm. Đó chỉ là một trong hàng trăm vụ TNGT trên cung đèo tử thần này mà nếu có “đếm cũng không xuể”.
Chỉ tay về những ngôi miếu thờ lớn nhỏ dọc phía Nam đèo Hải Vân lúc nào cũng nghi ngút khói, ông Ý bảo: Đó là “chứng tích thương tâm” của những vụ TNGT trên đèo. Người chết ở đâu thì lập miếu thờ ở đó. Khi chưa có hầm, năm nào cũng có thêm mấy ngôi miếu thờ ở đèo.
Còn ông Nguyễn Bừa (phường Kim Liên, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) ngày ấy nổi tiếng là “hiệp sĩ giao thông” trên đèo bởi “thấy chết không thể không cứu”. Gắn cả đời với đèo Hải Vân, sống bằng nghề vá xe, ông Bừa chua chát: “Ngày trước phương tiện nối đuôi nhau đi lại nườm nượp, hầu như chẳng ngày nào là không có TNGT. Nhẹ thì xe máy tông nhau, nặng thì ô tô đâm vào núi hoặc lật xuống vực”.
Theo ông Đào Xuân Mai, nguyên Hạt trưởng quản lý đoạn đường đèo Hải Vân, TNGT nhiều nhưng cứu hộ cứu nạn rất khó khăn do địa hình đèo dốc, phương tiện vận hành chậm, khiến thương vong càng lớn.
Ông Mai cho biết, đặc thù đường đèo sợ nhất mùa mưa bão, nước trên núi đổ xuống đường đèo tràn cả cống, ngập mặt đường đến 20 cm, đá cuội theo dòng nước chảy rong dưới mặt đường khiến việc lưu thông trên đèo vào thời điểm này vô cùng nguy hiểm. Điển hình như trận mưa lũ đầu tháng 11/1999 đã làm con đèo này sạt lở hàng chục vị trí. Trong đó, có ba vị trí bị đứt đường nghiêm trọng. Giao thông qua đèo bị ách tắc hoàn toàn hơn 3 ngày đêm liền. Hàng nghìn xe tải, xe khách Bắc - Nam nối đuôi nhau đậu đỗ kéo dài hàng chục cây số ở Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) và Kim Liên (Đà Nẵng).
“Chặn” cánh cửa tử thần
Ám ảnh đường đèo Hải Vân có lẽ giờ chỉ còn trong ký ức. Kể từ khi giai đoạn 1 dự án HĐB Hải Vân hoàn thành (năm 2006) sau 5 năm thi công đã xóa bỏ vĩnh viễn những “cung đèo tử thần”. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đường đèo giờ được “giảm tải” tối đa, lác đác vài xe tải nặng, xe du lịch và một số đoàn xe máy của dân phượt, người dân. Các phương tiện tập trung chủ yếu lưu thông vào đường hầm.
Bà Đào Thị Tư (51 tuổi), chủ quán giải khát trên đèo Hải Vân cho biết, đường đèo giờ chủ yếu phục vụ du lịch. Lưu lượng giảm, chất lượng xe cộ tốt hơn nên TNGT trên đèo ít lắm. “Lâu lắm mới có mấy anh xe máy chạy ẩu rồi té ngã, nhưng chỉ trầy xước. Mới đây, có chiếc xe bồn chở xăng ôm cua gấp bị lật trên đèo, nhưng đó chỉ là một vài vụ hi hữu”, bà Tư nói.
Còn ông Bừa vui vẻ bảo, giờ mình cơ bản “thất nghiệp”, mấy hộ dân sống bám trụ trên đèo cũng hết giật mình, bất an vì vấn nạn TNGT.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng, TNGT trên đường đèo Hải Vân giờ gần như không còn. Vụ lật xe chở gas mới đây cũng không gây thương vong. Đường dẫn Nam hầm Hải Vân sau khi đưa vào khai thác xảy ra một số vụ chủ yếu do xe mất thắng, phóng nhanh vượt ẩu, tuy nhiên đơn vị quản lý hầm khắc phục kịp thời. Đáng kể, từ đầu năm đến nay không xảy ra vụ TNGT nào.
Thống kê từ Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm (gọi tắt Xí nghiệp HHV, thuộc Chi nhánh Công ty CP Đèo Cả tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên), mỗi ngày trung bình trên dưới 7.500 lượt xe qua lại hầm. Lưu lượng phương tiện lớn, nhưng theo ông Cao Bá Giang, Giám đốc Xí nghiệp HHV, tình trạng xe va chạm, TNGT trong và ngoài đường dẫn vào hầm rất ít. Chẵn chục năm khai thác, có 70 vụ tai nạn trong hầm và hơn 110 vụ tai nạn ngoài hầm nhưng chủ yếu là các vụ va chạm, số người thương vong được kéo giảm tối đa. Đặc biệt, hầu như không xảy ra các vụ TNGT thương tâm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận