Chất lượng sống

Lợi lớn từ việc ghép trường ở Quảng Ninh

12/11/2017, 09:05

Ngay sau khi Tỉnh ủy Quảng Ninh thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu...

15

Bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng ở trường Tiểu học Đông Ngũ II

Ngay sau khi Tỉnh ủy Quảng Ninh thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25), huyện Tiên Yên là địa phương đầu tiên thí điểm tại các trường học.

Gom trường, nâng cao chất lượng

Vừa tan học buổi sáng, em Tằng Kim Liên, học sinh lớp 4A1, trường Tiểu học Đông Ngũ II (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) cùng các bạn nhanh chóng xuống khu nhà vệ sinh rửa tay chân rồi vào phòng ăn của trường. Các suất cơm đầy đủ thịt, rau theo thực đơn chất lượng hàng ngày đã được bày sẵn. Kim Liên hào hứng cho biết: “Trước đây, con học ở điểm trường Đồng Mộc, đi học xa, vất vả và cũng không được ăn ngon, đầy đủ như thế này. Học ở đây nhiều bạn bè, thày cô và vui hơn nhiều. Giờ con chỉ muốn ở đây học chứ chưa muốn về nhà”.

"Sau tinh giản, đội ngũ biên chế thuộc Phòng GD&ĐT Tiên Yên cơ bản ổn định về số lượng, chất lượng (100% đạt chuẩn nghề nghiệp, hơn 80% trên chuẩn). Từ năm học 2014-2015 đến hết năm học 2016-2017 giảm 96 lớp cấp tiểu học, 12 lớp cấp THCS, giảm 167 giáo viên, tương đương hàng năm tiết kiệm chi ngân sách khoảng 13 tỷ đồng”.

Ông Nguyễn Văn Ty 
Trưởng phòng GD&ĐT Tiên Yên

Được biết, trước Đề án 25, trường Tiểu học Đông Ngũ II có 4 điểm trường (Quế Sơn, Bình Sơn, Đồng Mộc, Đồng Hồng) được phân bố ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa với hệ thống cơ sở, thiết bị dạy học xuống cấp, lạc hậu. Nhiều điểm trường chỉ có một lớp học với hơn 10 học sinh, trong đó lại có vài ba em học lớp 1, 2, còn lại là lớp 3, 4, 5. Chính vì vậy, bảng viết phải chia hai phần để dạy học. Có điểm trường là một lớp học ọp ẹp nhưng “may mắn” hơn khi được phân chia diện tích bằng một lớp rèm tre và có thêm bảng đen để “tiện” cho thày cô đứng lớp.

Cô giáo Nguyễn Mai Khanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Ngũ II cho biết, từ khi thực hiện Đề án 25, nhà trường đã gom lớp, dồn học sinh từ các điểm trường lẻ về trường trung tâm và thực hiện cơ chế bán trú để giúp các em có điều kiện học tập và sinh hoạt thuận lợi và chất lượng hơn. “Khi còn học ở các điểm trường, các em tự đi học rồi tự về nhà trong ngày trong khi đường sá đồi núi nguy hiểm. Có những em phải đi bộ hơn 10km và phải dậy rất sớm mới có thể đến kịp giờ học. Tình trạng lớp vắng, học sinh trốn, bỏ học thường xuyên diễn ra, dẫn đến chất lượng dạy học không cao. Từ khi được đưa về học và ăn ở bán trú, các em không chỉ được học tập đầy đủ các bộ môn mà còn được sinh hoạt tập thể về kỹ năng sống, nếp ăn ở sạch sẽ, gọn gàng, tự giác vệ sinh đồ dùng cá nhân, giường chiếu nơi ngủ”, cô Khanh chia sẻ.

Anh Nguyễn Ngọc Anh, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Tiên Yên cho hay, trong 2 năm qua, huyện đã giảm được 1 trường, giảm 48 điểm trường (trong đó THCS: 1, Tiểu học: 23, Mầm non: 24). Từ việc sắp xếp đã hình thành các cụm điểm trường vệ tinh, điểm trường trung tâm có số học sinh tăng từ 9,97 em/lớp năm học 2013 - 2014 lên 18 em/lớp đối với hệ tiểu học năm học 2017 - 2018.

Cán bộ biên chế không ai bị mất việc

Ông Nguyễn Văn Ty, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Yên cho biết, dự thảo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo viên, nhân viên đã được lấy ý kiến thảo luận công khai tại hội đồng sư phạm các trường học trên địa bàn. Dựa trên kết quả đó sẽ sắp xếp lại vị trí việc làm đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường đáp ứng yêu cầu công việc, phù hợp với năng lực, trình độ và thực hiện tinh giản biên chế do dôi dư. Ngay từ năm học 2014 - 2015, huyện Tiên Yên đã giải quyết cho 72 giáo viên và 52 nhân viên dôi dư sau sắp xếp theo hướng chấm dứt hợp đồng với 45 giáo viên, nhân viên; chuyển đổi vị trí việc làm cho 79 giáo viên tiểu học và nhân viên. Trong đó, huyện chuyển 25 giáo viên nữ tiểu học và 29 nhân viên nữ sang giảng dạy cấp học mầm non; chuyển 25 giáo viên nam tiểu học sang làm nhiệm vụ khác (thư viện, thiết bị, hành chính, văn thư, quản sinh...); giải quyết được 38 trường hợp về nghỉ chế độ theo chính sách tinh giản biên chế. Như vậy, trong quá trình tinh giản, Tiên Yên chưa phải buộc thôi việc một trường hợp cán bộ biên chế nào. 

Theo ông Nguyễn Văn Ty, các phụ huynh đã nhận thức và đồng thuận với chủ trương chung của ngành, tích cực đóng góp tiền, gạo hỗ trợ bữa ăn bán trú, có nơi phụ huynh thay phiên nấu bữa trưa cho học sinh; nhân dân còn tổ chức làm đường để thực hiện ghép các điểm trường; các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện quan tâm hỗ trợ, ủng hộ với giá trị trên 2 tỷ đồng sửa chữa trường lớp, hỗ trợ đồ dùng học tập... Nguồn kinh phí tiết kiệm từ tinh giản biên chế trong 2 năm học ước tính trên 40 tỷ đồng. Ngoài số kinh phí hỗ trợ học sinh, đào tạo giáo viên, nhân viên, số còn lại đầu tư cơ sở vật chất trường lớp.

Nhiều hạng mục công trình của các trường học được đầu tư xây dựng từ nguồn kinh phí tiết kiệm biên chế và nguồn xã hội hóa, cơ sở vật chất được hoàn thiện theo hướng tập trung, đồng bộ và hiện đại, môi trường dạy và học của giáo viên, học sinh ngày càng hoàn thiện, chất lượng tốt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.