Công bố sớm và cũng có lợi nhuận đứng đầu ngành là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế đạt 17.250 tỷ đồng 9 tháng, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 85,4% kế hoạch năm 2019.
Lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng 9 tháng đạt 17.592 tỷ, tăng 50,6% so với cùng kỳ và đạt 85,8% kế hoạch năm 2019.
Vietcombank cho biết các chỉ tiêu tài chính đều hết sức khả quan: Tổng huy động vốn đạt 998.247 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch quý III/2019; Dư nợ tín dụng đạt 709.128 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2018, hoàn thành kế hoạch 9 tháng năm 2019; Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thu hồi nợ ngoại bảng cũng đạt 2.862 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch năm 2019.
Trước đó, trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, ngân hàng tự tin với mục tiêu năm nay là lợi nhuận cán 20 nghìn tỷ đồng, thậm chí có thể đạt mốc tỷ USD (khoảng 23 nghìn tỷ đồng). Trên thực tế, nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 40% trong mấy năm trở lại đây, mục tiêu lợi nhuận tỷ đô của Vietcombank hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Trong 4 ngân hàng TMCP quốc doanh, ngoài sự bứt phá liên tục của Vietcombank, một ngân hàng khác cũng ghi nhận sự thay đổi tích cực thời gian qua là Agribank.
Agribank cho biết, lợi nhuận trong 8 tháng đầu năm đã đạt 8.820 tỷ đồng. Đây là con số lợi nhuận kỷ lục của Agribank, đồng thời cao hơn cả tổng lợi nhuận năm 2018 (hơn 7.525 tỷ đồng). Tính đến 30/8/2019, tổng tài sản Agribank đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1 triệu tỷ đồng.
Cả năm 2019, Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận tối thiểu 11.000 tỷ đồng và Agribank đã hoàn thành được 80% kế hoạch. Agribank cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị cổ phần hóa.
Về khối NHTM ngoài quốc doanh, công bố kết quả kinh doanh đầu tiên là TPBank. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng này đạt 2.404 tỷ đồng, tăng mạnh gần 50% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 75% kế hoạch năm.
TPBank hiện có tổng tài sản trên 154.000 tỷ đồng; tổng huy động đạt trên 138.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ.
Trước đó, Sacombank cho biết, đến 31/7 ngân hàng này đã đạt lợi nhuận trước thuế 1.938 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 444.196 tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 403.164 tỷ đồng và cho vay đạt 280.555 tỷ đồng.
Các nguồn thu nhập của Sacombank tiếp tục tăng trưởng ổn định, tổng thu nhập thuần đạt 8.259 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 5.539 tỷ đồng, tăng 33,6%.
Các hoạt động kinh doanh khác cũng có sức tăng trưởng ấn tượng, thu dịch vụ đạt 1.621 tỷ đồng, tăng 19,9%; thu kinh doanh ngoại hối đạt 284 tỷ đồng, tăng 26,9%. Thu từ hoạt động khác tăng hơn gấp đôi, đạt 769 tỷ đồng…
Theo kết quả cuộc điều tra “Xu hướng kinh doanh” mới nhất do Ngân hàng Nhà nước tiến hành vào tháng 9/2019, tình hình kinh doanh năm nay tiếp tục có cải thiện tốt, các tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay tăng cao hơn so với năm trước.
Cụ thể, tình hình kinh doanh quý III/2019 theo nhận định của các tổ chức tín dụng tiếp tục có cải thiện rõ nét hơn so với quý II (có 76,5% tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh cải thiện tốt hơn, trong đó 20,6% là ”cải thiện nhiều”).
Dự kiến trong thời gian tới, 82,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ ”cải thiện” trong quý IV/2019 và 87,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 ”cải thiện” hơn so với năm 2018, trong đó 28,4-29,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng “cải thiện nhiều” (cao hơn so với tỷ lệ 20-27,4% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2019).
Dự kiến đến cuối năm 2019, có tới 91% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2018, chỉ có 3% tổ chức tín dụng kỳ vọng không đổi và 6% tổ chức tín dụng lo ngại suy giảm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận