Bám đường lớn, cảng biển, phát triển công nghiệp
Theo ông Lê Viết Phúc, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc quy hoạch các khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa quan trọng và định hình không gian phát triển cho một trong bốn trụ cột kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, gần sân bay Long Thành và Đồng Nai, TP.HCM, tỉnh này có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp.
Thời gian gần đây, địa phương này đang hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối để tăng sức cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt đây là tỉnh sở hữu cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, đứng thứ 19 thế giới (Cảng Cái Mép - Thị Vải). Là trung tâm trung chuyển quốc tế, độ sâu luồng đến 16m, có thể tiếp nhận tàu quốc tế với trọng tải hơn 200,000 DWT.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện chiếm hơn 16% tổng lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển toàn quốc và 35% lượng hàng container cả nước, 50% lượng hàng container khu vực phía Nam.
Từ những lợi thế có sẵn, Bà Rịa - Vũng Tàu đã quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển trục kinh tế động lực công nghiệp - cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng, cao tốc, đường nội tỉnh…
Theo quy hoạch, đến năm 2030 toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 24 khu công nghiệp với diện tích hơn 16.000ha (hiện nay đã có 13 KCN đang hoạt động với tổng diện tích hơn 7.242ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 65%). Các khu công nghiệp sẽ là thỏi nam châm hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra không gian phát triển quan trọng cho trụ cột kinh tế của tỉnh.
Các khu công nghiệp sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc với các ngành công nghiệp nghệ cao như: điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, trí tuệ nhân tạo; sản xuất phương tiện vận tải; dược phẩm. Đồng thời tập trung thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành các trung tâm logistics.
Đồng bộ tổ hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị
Như vậy dựa trên các vùng được phân rõ, trong giai đoạn tới toàn bộ vùng phát triển khu công nghiệp của tỉnh này sẽ nằm tại thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức. Đây là những địa phương thuận lợi nhất về cảng biển, hệ thống giao thông kết nối, giáp với sân bay quốc tế Long Thành.
Ngoài ra dọc tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.HCM cũng sẽ hình thành trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics. Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ.
Bên cạnh đó sẽ hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ; khu logistics dọc Vành đai 4, các trung tâm logistics cấp tỉnh tại huyện Châu Đức. Đồng thời phát triển các tổ hợp đô thị, dịch vụ, trung tâm logistics, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cũng theo ông Lê Viết Phúc trên địa bàn tỉnh đang có 13 KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định và đã thu hút nhiều dự án lớn từ các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản…
Vừa qua, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn WHA (một doanh nghiệp phát triển hạ tầng công nghiệp hàng đầu Thái Lan) đánh giá cao tiềm năng phát triển công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và huyện Châu Đức nói riêng.
Theo bà Jareeporn Jarukornsakul, với lợi thế gần khu vực cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư đồng bộ. Cộng thêm nguồn điện, nước cho công nghiệp ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, Châu Đức có lợi thế rất lớn để trở thành trung tâm phát triển công nghiệp trong tương lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận