Chất lượng sống

Lời xin lỗi của gã giang hồ xứ Quảng

05/01/2017, 17:09
image

Hành trình làm lại của thanh niên trượt dài trên con đường sa ngã, trộm cướp, bảo kê khét tiếng phố Hội.

Hinh 1

Cả tuổi trẻ của Lâm trượt dài trên con đường sa ngã, trộm cướp, bảo kê khét tiếng phố Hội.

Hành trình hoàn lương và lời xin lỗi của gã giang hồ xứ Quảng

Sau khi chương trình truyền hình thực tế “Lời xin lỗi” được phát sóng trên kênh VTV9 vào những ngày cuối tháng 12/2016 đã nhận rất nhiều sự hưởng ứng và lan tỏa của khán giả cả nước. Bởi những câu chuyện trong chương trình rất “đời” và mang lại nhiều ý nghĩa, niềm tin tươi đẹp vào cuộc sống.

Câu chuyện của anh Lê Phú Lâm (30 tuổi, TP. Hội An, Quảng Nam) phát sóng vào tối ngày 04/01, cũng đã khiến không ít khán giả truyền hình phải thán phục về con đường hoàn lương của một con người từng là giang hồ cộm cán, tung hoành dọc ngang bất cần đời.

Xem video "Hành trình hoàn lương và lời xin lỗi của gã giang hồ xứ Quảng" tại đây:

 Nguồn: VTV9

Đang học lớp 9, với bản tính ngông cuồng, Lâm nghỉ học giữa chừng và trượt dài trên con đường ăn chơi, trộm cướp. Qua những lần trót lọt, Lâm cùng nhóm bạn tổ chức trộm cắp quy mô lớn, bảo kê nhà hàng, khách sạn, quán bar, đòi nợ thuê. Cứ thế, Lâm nhanh chóng trở thành cái gai trong mắt nhiều người khi biến mình thành gã giang hồ máu lạnh.

16 tuổi, Lâm đã nhận án 6 tháng tù treo vì tội cướp giật. Hết án không lâu, Lâm lại tiếp tục nhận thêm 18 tháng tù treo mà không hề sợ hãi. Cuối cùng, đến tháng 2/2009, Lâm bị bắt và bị kết án 4 năm tù giam vì tội “cưỡng đoạt tài sản” như vốn dĩ phải thế.

Những ngày ở tù, giữa 4 bức tường lạnh lẽo, “gã giang hồ” xăm trổ đầy mình, mặt bày băm trợn bỗng được cảm hóa bởi thời gian và sự chăm lo cần mẫn của cha mẹ, vợ con. Lâm kể: “Ở trong tù mình hối hận, lớn rồi, có vợ có con rồi mà vẫn để cha mẹ phải lo cho mình. Thứ hai là nhớ con, vì con còn nhỏ quá. Cảnh ở tù thì lâu lắc, không biết đến ngày nào về”.

Hinh 2

Những ngày tháng trong tù của Lâm là chuỗi ngày dài ăn năn, hối hận vì những lầm lỗi tuổi trẻ

Với nỗ lực cải tạo tốt, tháng 8/2010 Lâm được trả tự do. Nhớ lại ngày mới ra khỏi trại, Lâm không khỏi nghẹn ngào: “Về ăn cơm bữa đầu, vừa vui, vừa buồn. Mới ra tù 10 ngày thì phát hiện vợ bị bệnh ung thư tuyến giáp. Bác sĩ bảo mổ để triệt bỏ di căn nhưng có khả năng bị câm”.

Hinh 3

Vừa ra tù lại đối mặt với bệnh tật của người vợ là thử thách không nhỏ dành cho “gã giang hồ” ngày nào.

Sau khi ra tủ, Lâm quyết định “rửa tay gác kiếm”. Con đường hoàn lương của Lâm cũng lắm gian truân khi suốt gần 3 năm trời anh không tìm được việc làm… Gia cảnh ngày càng nghèo khó, vợ bệnh tật, 2 đứa con còn thơ dại, cha mẹ thì đã già.

Hinh 4

Trong khi vợ bệnh, con nhỏ, cha mẹ đã già mà anh lại không tìm được việc làm sốt 3 năm trời 

Bởi lẽ, xã hội có những định kiến về người từng bị vào tù. Họ dị nghị, xa lánh và không dám nhận vào làm việc, thậm chí bị người khác gọi bằng cái từ miệt thị: "Thằng tù". Nhiều người không có công ăn việc làm, nhàn rỗi lại sinh ra trộm cắp hoặc quay trở về với con đường tội lỗi ngày trước. Và cũng đã không ít lần Lâm nghĩ đến việc quay lại con đường cũ.

Tuy nhiên, nhờ sự khuyên bảo của cha mẹ, anh em Lâm cũng lấy lại được sự bình tâm trong cuộc sống, tiếp tục tìm việc làm và sau đó trở thành một tài xế taxi mẫn cán. Bệnh tình của vợ cũng ngày một bớt đi. Từ đây, cuộc sống gia đình anh bớt khổ hơn.

Hinh 5

Từ khi “hoàn lương”, không khí trong gia đình của anh Lâm cũng trở nên vui vẻ, ấm áp hơn. 

Ngày nhận tháng lương đầu tiên, Lâm nghĩ đến việc làm từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn để trả nợ đời. Từ hơn 2 năm nay, anh Lâm đứng ra lập nhóm “nồi cháo từ thiện”,  những nồi cháo từ thiện của anh ra đời đến từ những lần chăm vợ ở bệnh viện, Lâm thấy người nghèo đi xin cháo khổ quá.

Và không chỉ 1 tháng lương đầu tiên, với sự hỗ trợ từ gia đình, giúp sức từ bạn bè, suốt hơn 2 năm nay, bất kể mưa gió bão bùng, đều đặn sáng sớm thứ 3 hàng tuần, Lâm cùng gia đình, bạn bè quây quần nấu tầm 85 suất cháo và 100 suất sữa đậu nành phát miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Hội An đều đặn vào sáng thứ 3 hàng tuần.

“Đây cũng là cách tôi cảm ơn những người thân, gia đình và bạn bè đã không bỏ rơi một thằng từng ngồi tù như tôi vào thời khắc khó khăn nhất và tôi muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa để chuộc lại lỗi lầm cũng như tạ ơn với cuộc đời này”, Lâm chia sẻ.

Hinh 6

Suốt hơn 2 năm qua, bất kể nắng mưa, không một tuần nào vắng bóng Lâm và nồi cháo từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Hội An. 

Nhìn hình ảnh chàng thanh niên với dáng người nhỏ nhắn cần mẫn múc từng bát cháo, từng suất sữa đậu nành cho bệnh nhẫn, ít ai biết rằng, công việc ý nghĩa này như một món quà, một lời sám hối mà Lâm làm để trả nợ cho những tháng ngày lạc lối giang hồ.

Không chỉ tạ tội với đời, trong dịp năm hết tết đến, qua chương trình “Lời xin lỗi” của Đài truyền hình Việt Nam, Lâm cũng gửi lời xin lỗi chân thành đến vợ vì những tháng ngày trượt dài trong sa ngã dẫn đến tù tội, không lo lắng được cho vợ con. Lâm cũng gửi lời xin lỗi bố mẹ vì chưa nuôi bố mẹ được ngày nào ngoài những lo lắng, nước mắt và sự tất tả ngược xuôi mà Lâm gây ra cho bố mẹ.

Mong rằng bố mẹ, vợ con của Lâm sẽ chấp nhận lời xin lỗi như một lời sám hối. Chương trình “Lời xin lỗi” cũng hy vọng, những việc thiện mà Lâm đang làm sẽ nhận được sự ủng hộ, góp sức hơn nữa, để không chỉ có lời xin lỗi mà còn có nhiều hành động đẹp lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng. Cho chúng ta một năm mới, khởi đầu mới tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

“Lời xin lỗi” là chương trình truyền hình thực tế đang gây ấn tượng mạnh với khán giả cả nước qua câu chuyện của những số phận, những hoàn cảnh khác nhau trên khắp đất nước gửi lời xin lỗi chân thành đến cha mẹ, con cái, người thân vì những thiếu sót mà mình đã gây ra với mong muốn một năm mới tốt đẹp hơn.

Có thể nói, chưa bao trào lưu nói lời xin lỗi công khai lại lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng như hiện tại. Khởi nguồn từ một doanh nhân nổi tiếng xin lỗi người tiêu dùng cả nước, thông điệp xin lỗi đã được hàng chục ngàn người hưởng ứng và gửi tới người thân, gia đình, bạn bè của mình trong những ngày giáp tết Đinh Dậu.

Nhận định về xu hướng đầy tích cực này, ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông và Phát triển cho biết: những giá trị truyền thống mang tính dân tộc như yêu thương, đùm bọc, cảm thông và bỏ qua cho nhau gần đây vốn bị lu mờ nhưng đang được đánh thức lại với trào lưu xin lỗi đầy tính nhân văn hiện nay. Hy vọng, nét tươi mới và độ lan tỏa mà trào lưu xin lỗi đang tạo ra sẽ trở thành nét văn hóa ứng xử lâu dài của người Việt chúng ta.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.