Thế giới giao thông

London hỗn loạn vì đóng cửa quầy vé tàu điện ngầm

16/01/2017, 06:24
image

Tuần vừa qua, hàng triệu người sử dụng tàu điện ngầm tại London bị ảnh hưởng vì hoạt động biểu tình và lãn công.

nguoi su dung tau dien ngam

Người sử dụng tàu điện ngầm buộc phải chuyển sang đi xe buýt, thậm chí là đi bộ vì biểu tình khiến hệ thống tàu điện ngầm London “thất thủ”.

Sa thải 800 nhân viên

Tuần vừa qua, hàng triệu người sử dụng tàu điện ngầm tại London bị ảnh hưởng vì hoạt động biểu tình và lãn công do Công đoàn công nhân tàu, hàng hải, giao thông (RMT) dẫn đầu trong 24 giờ ngày đầu tuần (9/1) khiến khoảng 4 triệu người bức xúc vì chờ đợi, chen chúc, theo ABC News. Các dịch vụ tàu phía Nam London tiếp tục bị gián đoạn nhiều ngày sau đó.

Giới chức điều hành dịch vụ tàu phía Nam London cảnh báo hành khách nên chuẩn bị tinh thần vì hệ thống tàu điện khu vực này có thể sẽ “tiếp tục thất thủ” do các cuộc biểu tình khác vào cuối tháng này. Chủ tịch RMT Mike Cash cho biết, hoạt động biểu tình nhằm phản đối chính sách cắt giảm việc làm và đóng cửa hàng trăm phòng vé của Chính phủ.

Lật lại chính sách đóng cửa phòng vé, đây là ý tưởng do chính quyền ông Boris Johnson, Thị trưởng London lúc đó đưa ra và bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2015. Chính quyền London muốn đóng cửa khoảng 250 phòng vé trong hệ thống tàu điện ngầm London. Khoảng 800 nhân viên bán vé bị sa thải, những người được giữ lại sẽ chuyển công tác sang khu vực sân, cổng và bên trong nhà ga, được trang bị máy tính bảng (iPad) để giúp đỡ hành khách khi cần hỗ trợ.

Sở dĩ có kế hoạch trên vì Cơ quan Giao thông London cho biết, họ chỉ bán khoảng 3% tổng lượng vé tàu điện tại các phòng vé; Trong khi, mỗi ngày hệ thống tàu điện ngầm phục vụ khoảng 4 triệu lượt khách. Ông Nick Brown, Trưởng văn phòng điều hành London Underground cho biết: “Đóng cửa quầy bán vé nằm trong tầm nhìn rộng hơn của chúng tôi nhằm cải tổ hệ thống Tube (cách gọi khác của tàu điện ngầm London), bao gồm nhiều động thái khác như: Mở rộng dịch vụ cuối tuần 24 giờ, hiện đại hóa toa tàu với điều hòa nhiệt độ, cải thiện chất lượng quầy bán lẻ, tất cả đều phản ánh nhu cầu mà khách hàng thực sự cần”.

Tranh cãi nhưng tiết kiệm 270 triệu bảng Anh/năm

Tuy nhiên, ngay từ đầu, kế hoạch vấp phải nhiều tranh cãi. Ông Manuel Cortes, Lãnh đạo Hiệp hội Các nhân viên được trả lương ngành Giao thông cho rằng, ông Boris Johnson đã quá “vội vàng”. Ông Manuel Cortes chỉ trích: “Đây là dự án phù phiếm, đắt đỏ nhất từ trước tới nay của ông Boris. Nó sẽ tiêu tốn tới hơn 150 triệu bảng Anh (183 triệu USD) vào chi phí xây dựng và lắp đặt máy móc, trong năm đầu tiên thực hiện”. Ngoài ra, ông Cortes cũng lo ngại: “Ông Boris có lẽ chưa tính đến cảnh khách du lịch sẽ lơ ngơ, không biết xoay xở như thế nào khi phải mua vé qua máy mà không có sự hỗ trợ”. Song, Cơ quan giao thông London khẳng định, sẽ tiết kiệm 270 triệu bảng (329 triệu USD) đến năm 2021, tờ Standard (Anh) đưa tin.

Trước những tranh cãi trên, khoảng giữa năm 2016, tân Thị trưởng London Sadiq Khan yêu cầu mở đánh giá về dự án này trong 6 tuần, để xem xét tác động từ việc đóng cửa quầy bán vé với hành khách để đảm bảo khi thay đổi, hành khách vẫn có thể di chuyển an toàn, dễ dàng mua vé, tiếp cận thông tin và trợ giúp. Theo khảo sát của London TravelWatch, phần lớn hành khách đều có phản ứng tích cực với hệ thống mới, bởi khi các nhân viên bán vé rảnh tay, không phải tập trung làm thủ tục bán vé, sẽ sẵn sàng hỗ trợ hành khách hơn.

Thế nhưng, 45% người được hỏi (tương đương 1.715 người) cho biết, họ cảm thấy không an toàn tại các quầy bán vé so với trước khi đóng cửa.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.