Thế giới giao thông

London thành công khi áp dụng thu phí nội đô

29/12/2016, 08:09
image

Thủ đô London (Anh) là thành phố lớn nhất trên thế giới áp dụng thành công phương án thu phí tắc nghẽn.

bien thong bao

Biển báo, ký hiệu thông báo bắt đầu vào khu vực nội đô London và sẽ tính phí tắc nghẽn.

Thủ đô London (Anh) là thành phố lớn nhất trên thế giới áp dụng thành công phương án thu phí tắc nghẽn (hay còn gọi là thu phí nội đô) để giảm tắc đường, cải thiện chất lượng không khí và giảm TNGT.

Mất tiền cũng thấy xứng đáng

London (Anh) từng là một trong những thành phố tắc nghẽn nhất thế giới. Trước năm 2003, người dân Thủ đô Anh phải chịu cảnh mất gấp 3 lần thời gian di chuyển trong nội đô vào khung giờ cao điểm so với khung giờ bình thường. Khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu doanh nghiệp và kinh tế (Anh) thực hiện cho thấy, nước này thiệt hại 426 triệu bảng Anh/năm, tính riêng về tổn thất nhiên liệu. Ngoài ra, thiệt hại kinh tế vì mất thời gian do tắc đường lên tới 331 bảng Anh/người/năm. Không chỉ vậy, London còn chứng kiến mỗi năm có hơn 4.000 người chết sớm vì ô nhiễm không khí, một phần khí thải từ ô tô.

Để cắt giảm lượng ô tô nhằm giải quyết các vấn đề bất cập trên, từ năm 2003, giới chức áp dụng thu phí tắc đường (hay còn gọi là phí nội đô) từ 7h - 18h các ngày trong tuần, trừ dịp lễ, Tết tại khu vực trung tâm London. Quy định này không áp dụng với xe buýt, taxi, phương tiện thuê tư nhân và xe máy; phương tiện của cư dân sống tại khu vực nội đô hoặc người khuyết tật sẽ được giảm 90-100% tiền phí.

Xem thêm video:

Từ khi áp dụng, phí nội đô tăng từ 5 bảng lên 8 bảng vào năm 2005 và hiện nay là 10 bảng Anh (hơn 278.000 VND). Toàn bộ tiền phí được nộp về Cơ quan Vận tải London (TfL) và tái đầu tư vào giao thông công cộng, để thu hút người dân bỏ xe cá nhân và sử dụng phương tiện công cộng.

Bên cạnh đó, phần lớn người dân đều cảm nhận được sự thành công của chương trình. Anh Elliot Jacobs, Giám đốc quản lý Công ty Cung cấp dịch vụ văn phòng UOE cho biết: “Giao hàng đúng giờ là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc kinh doanh của chúng tôi. Áp dụng thu phí tắc đường, đồng nghĩa chúng tôi có thể chắc chắn về lưu lượng giao thông và biết chắc tình hình giao thông ra sao. Như vậy, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ đúng giờ, nâng cao uy tín. Mất 10 bảng/ngày cũng rất đáng đồng tiền”.

Bản thân ông Ken Livingstone, Thị trưởng London thời điểm đó cũng ngạc nhiên về hiệu quả thu được. Ông Ken Livingstone từng nhận định, trong suốt sự nghiệp chính trị, “đây là điều duy nhất ông thực hiện mang lại kết quả vượt mong đợi”.

Cách thức hoạt động

Để phương án thu phí nội đô đi vào hoạt động, ban đầu, giới chức London thành lập khu vực thu phí tại trung tâm, trên diện tích 22km2. Kể từ đó tới nay, giới chức thực hiện một lần mở rộng thêm 50% diện tích khu vực áp phí.

Hoạt động thu phí nội đô sẽ không thực hiện qua các trạm thu phí; thay vào đó, tài xế có thể trả phí qua mạng, qua tin nhắn điện thoại, hoặc tại các địa điểm bán lẻ có trang bị hệ thống trả tiền tự động PayPoint. Tài xế có thể ước tính số lần đi vào khu trung tâm để trả trước.

Đồng thời, cơ quan chức năng lắp đặt hàng trăm camera cố định tại các điểm đầu vào/ra của khu vực nội đô, tự động ghi lại biển số xe của các phương tiện trong khu vực này, chính xác đến 90%. Số liệu biển số xe mà camera ghi lại sẽ được đối chiếu chéo với dữ liệu các xe đã nộp phí. Nếu khớp tức là tài xế đã trả phí.

Vào khoảng nửa đêm, máy tính sẽ kiểm tra lần cuối tất cả các phương tiện; lưu lại những biển số chưa trả tiền. Nhân viên TfL sẽ kiểm tra bằng phương pháp thủ công các biển số vi phạm trước khi thông báo phạt tới chủ phương tiện. Nếu người sử dụng phương tiện đi vào khu vực thu phí mà không thực hiện nghĩa vụ sẽ bị phạt 100 bảng Anh (hơn 2,7 triệu VND); sẽ giảm còn 50 bảng nếu nộp phạt trong 14 ngày.

Chi phí lắp đặt thiết bị của dự án này khoảng 160 triệu bảng Anh (gần 450 tỉ VND) và chi phí hoạt động khoảng 90 triệu bảng Anh/năm (260 tỉ VND). Lợi nhuận thu sau 1 năm áp dụng khoảng 122 triệu bảng (hơn 340 tỉ VND). Số tiền này đã được chi vào các dự án công cộng như: Chi 100 triệu bảng vào hoạt động của hệ thống xe buýt, chi 14 triệu bảng vào cầu đường, 4 triệu bảng vào an toàn đường bộ và 4 triệu bảng còn lại cho các dự án phục vụ người đi bộ và đi xe đạp. Dự kiến, trong các năm tới, lợi nhuận từ phí này sẽ tăng thêm 25 triệu - 40 triệu bảng/năm.

Tỉ lệ tai nạn nghiêm trọng giảm

Sau 3 năm đầu áp dụng thu phí, lượng xe trong nội đô giảm xuống 15%; Đến nay, con số này tăng lên 20% (tương đương 75.000 phương tiện). Trong số những người để xe ở nhà, một nửa chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, nửa còn lại sử dụng xe đạp hoặc xe máy. Đồng thời, tỉ lệ tai nạn nghiêm trọng tại khu vực trung tâm giảm 40-50 vụ/năm. Không chỉ vậy, kết hợp với nỗ lực cải thiện công nghệ ô tô thân thiện môi trường, tỉ lệ khí thải NOx giảm 13% so với thời điểm trước khi áp dụng.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.