Ngày 1/11, ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, trong thời kỳ 2021 - 2030, Long An xác định 14 danh mục dự án giao thông quan trọng để ưu tiên đầu tư xây dựng.
Qua đó, UBND tỉnh đã dành nhiều nguồn lực tập trung phát triển hạ tầng giao thông nhằm góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng năm 2024, Sở được phân bổ gần 2.900 tỷ đồng, chiếm 58,23% tổng nguồn vốn phân bổ cho các dự án của tỉnh.
Trong đó, Vành đai 3 qua Long An với hai dự án thành phần 7 (xây dựng) và 8 (giải phóng mặt bằng) hơn 4.200 tỷ đồng. Năm 2024, được phân bổ trên 631 tỷ đồng. Hiện các gói thầu xây dựng đạt và vượt các mốc tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, khối lượng thực hiện đạt gần 51% kế hoạch.
Địa phương phấn đấu hoàn thành thông xe phần cao tốc trong tháng 10/2025 và toàn bộ dự án trong năm 2026. Riêng phần nút giao Mỹ Yên kết nối với dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ được thông xe vào cuối năm nay.
Dự án Vành đai 4 TP.HCM, địa phương đã hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi và gửi TP.HCM để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trình cấp có thẩm quyền thông qua.
"Đây cũng là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt đối với Long An nói riêng và các tỉnh, thành phố trong khu vực nói chung trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, Long An đang tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh như đường Vành đai TP Tân An, đường tỉnh 823D, 830E, 827E…
Trong đó, đường Vành đai Thành phố Tân An đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng với tổng mức đầu tư trên 31.000 tỷ đồng, các tuyến đường tỉnh 823D, 830E… đang được tập trung triển khai.
Riêng tuyến đường tỉnh 827E (quốc lộ 50B) được xác định là trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang, địa phương đang tập trung hoàn thiện các thủ tục để phân kỳ đầu tư dự án đường dẫn và ba cầu bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An xác định mục tiêu đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam.
Đồng thời, tỉnh cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.
Đến năm 2050, tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.
Do đó, cùng với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, Long An sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy kết nối giữa hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận