Có cát, các nhà thầu thi công đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thở phào, trút được gánh nặng khiến họ đau đầu nhiều ngày.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà gặp gỡ người dân khu vực khai thác của ba mỏ cát ở Vĩnh Long.
Trước đó, tháng 2/2024, tỉnh Vĩnh Long đã bàn giao ba mỏ cát trên địa bàn huyện Trà Ôn với tổng trữ lượng hơn 2,4 triệu m3 cho các nhà thầu. Thế nhưng, sau ba tháng bàn giao, việc khai thác vẫn chưa thể thực hiện. Nguyên nhân là do người dân địa phương phản ứng. Họ lo sẽ tái diễn tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến môi trường sống. Thực tế, việc này đã từng diễn ra.
Trước tình thế đó, chính quyền đã tổ chức đối thoại, làm công tác dân vận, nhưng cuối cùng mọi chuyện vẫn chưa thể giải quyết ổn thoả.
Được gặp gỡ Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng hôm 11/5, những người dân cho biết họ rất vui mừng khi lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đã quan tâm đến những tâm tư, tình cảm của bà con.
Cụ Lê Văn Út (ngụ xã Lục Sĩ Thành) chia sẻ: "Tôi rất xúc động. Bởi chỉ vì vấn đề khai thác cát mà Phó thủ tướng đã đến tận nơi gặp gỡ bà con. Tôi hiểu việc cung cấp cát cho các dự án quốc gia là cấp bách. Nhưng vấn đề mà tôi và mọi người ở đây quan tâm là khai thác làm sao cho hợp lý, đảm bảo không ảnh hưởng và thiệt hại cho người dân".
Ông nói, những người dân địa phương coi sự xuất hiện của Phó thủ tướng và người đứng đầu ngành GTVT như là sự bảo lãnh, cam kết về tính an toàn của môi trường.
Tín hiệu tích cực xuất hiện ngay: bốn ngày sau, mỏ cát trên sông Hậu thuộc thị trấn Trà Ôn, xã Lục Sĩ Thành và xã Thiện Mỹ (huyện Trà Ôn) đã được khai thác.
Theo kế hoạch đặt ra, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cần hoàn thành gia tải trước 30/8 trên toàn bộ tuyến chính. Để thực hiện, dự án cần 14,9 triệu m3 cát. Nhưng đến nay đã gần hết tháng 5, chỉ có 5,3 triệu m3 cát về đến công trình.
Thiếu cát đang gây ra báo động đỏ về tiến độ trên toàn tuyến. Để khai thác được mỏ cát đáp ứng nhu cầu thi công, việc còn lại là của chính quyền địa phương. Ngoài việc đẩy nhanh các thủ tục cần thiết, để người dân đồng thuận, công tác vận động, tuyên truyền cần phải được làm bài bản.
Cát là tài nguyên quốc gia. Việc khai thác để cung cấp cho các dự án trọng điểm quốc gia là chủ trương thống nhất, được tiến hành trên cơ sở khảo sát, đo đạc khoa học và có cơ quan chịu trách nhiệm nếu xảy ra hậu quả. Người dân lo lắng là chuyện đương nhiên, song điều quan trọng là cần tuyên truyền để làm sao người dân thấu đáo, cùng những cam kết rõ ràng.
Không phải ngẫu nhiên khi Phó thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GTVT về tận làng, xã thì người dân đồng thuận. Đó là bởi khi người dân thấy lãnh đạo đi thực tế, giải đáp cặn kẽ những điều họ trăn trở, tin tưởng. Khi lòng dân thuận, việc gì cũng sẽ thuận.
Trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng về tiến độ các dự án giao thông như hiện nay, Thủ tướng cùng các Phó thủ tướng sát cánh với ngành GTVT, liên tục đi hiện trường đốc thúc, động viên, gỡ khó. Học tập phong cách làm việc đó, lãnh đạo các địa phương cũng cần vào cuộc với tác phong này, công việc mới trôi chảy được.
Trên toàn tuyến sông Tiền, sông Hậu, nhiều tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ, các nhà thầu đã khai thác được cát ở nhiều mỏ. Nhưng cát vẫn thiếu, công trường cao tốc vẫn ngóng từng ngày. Vì thế, không cách nào khác, địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, thể hiện trách nhiệm cao hơn nữa. Và khi cao tốc hoàn thành, không ai khác, chính địa phương sẽ được hưởng lợi đầu tiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận