Tài chính

Lòng vòng quan hệ vay mượn giữa Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Chủ tịch Lê Viết Hải

14/06/2024, 16:12

Ngoài giao dịch lô đất tại quận 12, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng đã tạm ứng nhiều trăm tỷ đồng cho gia đình Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải.

Giao dịch bất động sản trái quy định

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) với tổng số tiền 190 triệu đồng, trong đó:

HBC bị phạt tiền 65 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với các tài liệu gồm: Báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên năm 2022; Thông báo thay đổi thành viên Hội đồng quản trị; Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau soát xét đối với BCTC riêng và hợp nhất bán niên năm 2022 được soát xét; BCTC riêng và hợp nhất Quý 4/2022.

Lòng vòng quan hệ vay mượn giữa Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Chủ tịch Lê Viết Hải- Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) có giá trị trúng thầu hàng năm lên tới nghìn tỷ đồng. Ảnh: HBC.

Bên cạnh đó, HBC cũng bị phạt tiền 125 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan.

Xây dựng Hòa Bình ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 31/3/2020 với người quản lý doanh nghiệp là ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị để nhận chuyển nhượng bất động sản từ ông Lê Viết Hải với giá trị 120 tỷ đồng khi chưa được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị công ty thông qua.

Theo tìm hiểu, bất động sản được nêu trên là khu đất 7.000 m2 ở đường Phan Văn Hớn, quận 12, TP.HCM. Khu đất này đã được xây dựng làm nhà kho, văn phòng cho các công ty con của HBC từ năm 1993 đến nay. Đây là tài sản cá nhân của Chủ tịch, chưa đưa vào góp vốn cho công ty, song ông không hề thu tiền cho thuê trong suốt 30 năm.

Đến năm 2020, ông đã có thông báo cho HĐQT về giao dịch nhận chuyển nhượng lô đất để giảm nợ cá nhân đối với công ty.

Ba tháng sau khi giao dịch hoàn tất, quyền sử dụng lô đất này đã được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay của Xây dựng Hòa Bình tại BIDV – chi nhánh TP.HCM.

HBC chi tiền để gia đình Chủ tịch giải chấp cổ phiếu

Ngoài giao dịch bất động sản trái quy định khiến công ty bị xử phạt, HBC cũng phát sinh nhiều khoản tạm ứng cho Chủ tịch Lê Viết Hải với các mục đích khác nhau.

Theo đó, HBC đã tạm ứng cho nhân viên trong năm 2022 với số tiền 138,45 tỷ đồng nhằm mua lại toàn bộ cổ phần của ông Hải tại Công ty Cổ phần Đầu tư Pax International.

Ngoài ra, Xây dựng Hòa Bình cũng ghi nhận khoản phải thu thanh lý đầu tư có giá trị 193,3 tỷ đồng từ Chủ tịch cho việc thoái vốn Công ty Cổ phần Hòa Bình Oseven.

Lòng vòng quan hệ vay mượn giữa Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Chủ tịch Lê Viết Hải- Ảnh 2.

Các giao dịch giữa gia đình Chủ tịch Lê Viết Hải và HBC lên tới hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: HBC.

Không chỉ vậy, công ty đã tạm ứng số tiền 266 tỷ đồng để giải chấp 45 triệu cổ phiếu (làm tròn) của gia đình Chủ tịch Lê Viết Hải tại một số công ty chứng khoán. Sau đó, thế chấp lại số cổ phiếu này vào Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) làm tài sản đảm bảo cho việc cấp bảo lãnh thanh toán đối với các gói trái phiếu phát hành.

Số tiền tạm ứng sẽ được hoàn trả lại khi công ty hoàn trả lại cho gia đình Chủ tịch số cổ phiếu đang thế chấp tại Ngân hàng MSB. Tiền lãi phát sinh từ khoản tạm ứng 266 tỷ đồng sẽ được bù trừ với tiền lãi phát sinh từ việc mượn cổ phiều.

Đáng chú ý, giao dịch 138,45 tỷ đồng và 266 tỷ đồng liên quan đến ông Lê Viết Hải đều có điểm khá tương đồng với giao dịch bị xử phạt vừa qua.

Theo báo cáo tài chính năm 2023, các giao dịch trên đều chưa có đủ phê duyệt phù hợp, và chỉ được HĐQT thông qua tại biên bản họp ngày 20/5/2023.

Bên cạnh các giao dịch trên, ông Lê Viết Hòa – con trai Chủ tịch Lê Viết Hải, cũng đã vay nợ hơn 40 tỷ đồng từ Xây dựng Hòa Bình. Đây là hợp đồng cho vay tín chấp, thời hạn không quá 12 tháng với lãi suất từ 8-11%/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.