Ta cùng điểm qua bức tranh toàn cảnh công nghệ thế giới và Huawei để dự đoán tương lai của người khổng lồ Trung Hoa nhé.
Đòn đánh của các ông lớn công nghệ Mỹ vào Huawei như một cú knock-out hạ gục tập đoàn mũi nhọn của Trung Quốc. Đồng thời, nó cũng là lời cảnh báo ở cấp độ cao nhất đối với các công ty của Đại Lục hiện tại đang hoạt động có liên quan tới lĩnh vực này.
Thời hạn hiệu lực được giãn cho đến hết tháng 8 có lẽ chỉ là để Huawei và các đối tác của họ thu xếp công nợ, giải quyết hàng hoá tồn kho và bàn giao cho nhau. Tuyệt nhiên chưa thấy người Mỹ có dấu hiệu nhân nhượng, nới lỏng hay xuống nước trong ván bài này.
Có nhiều người nói Huawei sẽ qua được giai đoạn khó khăn và trở lại như xưa, thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Nhiều đồn đoán cho rằng họ tự viết được hệ điều hành (Hongmeng), tự huy động được cộng đồng viết ứng dụng cho họ...
Tuy nhiên, với dân công nghệ, đây là điều hoàn toàn không thể trong thời buổi số hoá toàn cầu nói chung và nội lực hiện tại của Trung Hoa nói riêng. Dự án Hongmeng có từ 2012 với hệ điều hành được cho là ARK OS, nhưng hiện giờ nó vẫn chưa thể xuất hiện ở bất kể đâu.
206 triệu máy là con số bán ra trong năm 2018 của Huawei. Gần bắt kịp Apple. Năm 2019, họ cũng phải chuẩn bị số hàng ít ra là cỡ đó.
Vào lúc linh kiện dự trữ để sản xuất lên tới cả tỷ đô la, các dây chuyền lắp ráp đang hoạt động hết công suất để kịp cho mùa mua sắm cuối năm, cú đánh sẽ khiến Huawei đổ gục vì lỡ dở cả sản xuất, tài chính lẫn tiếp thị, bán hàng. Một đòn đánh đầy nghiệt ngã, có sự tính toán và chuẩn bị rất công phu.
Cả trăm triệu chiếc điện thoại & máy tính lên tới hàng tỉ đô la tồn kho khắp thế giới. Các đối tác mạnh nhất cấm vận công nghệ, các nhà cung cấp linh kiện đòi nợ, các trang web và cửa hàng ngừng nhập hàng, bồi thường hợp đồng lao động, nhân lực cao ra đi do các tập đoàn khác mời gọi,... là những khó khăn hiện tại Huawei phải đối mặt. Dường như cả thế giới quay lưng với Huawei.
Không bán được hàng, chỉ tiền lương, lãi suất và nợ nần không thôi là đã quá sức đối với Huawei. 180.000 nhân viên trên khắp toàn cầu. Nhà máy & văn phòng hiện đại bậc nhất tại Thâm Quyến - CN, Chiba - JP và Silicon Valey - US không phải là chi phí nhỏ. Nếu tiếp tục duy trì như vậy, họ sẽ nhanh chóng phá sản.
Về kỹ thuật, vì sao họ lại khó có thể gượng được. Ta cùng quay lại nước Mỹ để điểm qua bức tranh toàn cảnh công nghệ, sẽ thấy rõ vấn đề.
Ai làm trong lĩnh vực công nghệ hoặc từng trải qua đều biết người Mỹ & đồng minh của họ ngày một mạnh hơn và lấn lướt thế giới trong lĩnh vực này. Nhiều tập đoàn Mỹ sở hữu các sáng chế mang tính đột phá và duy nhất trên địa cầu. Hoặc, những bộ óc sáng tạo kiệt xuất về công nghệ, đều làm việc cho các tập đoàn lớn tại Silicon Valey, trên đất Mỹ.
Họ liên kết với nhau thành các hiệp hội chống vi phạm bản quyền phần cứng như USB connect, Wi-Fi Alliance, SD card,... chỉ có họ mới có thể cho phép sự hiện diện của chúng trên các thiết bị.
Trong các thiết bị cầm tay hiện tại nói riêng và các thiết bị điện tử, tự động hoá phức tạp, Chip điều khiển trung tâm của Mỹ hoặc sử dụng bản quyền công nghệ Mỹ luôn đóng vai trò não bộ để máy móc hoạt động ổn định.
Các máy móc thiết bị có chuẩn an toàn cao như tên lửa đẩy, vệ tinh, máy bay, tàu cao tốc... các thiết bị xây dựng, công nghiệp, dây chuyền tự động hoá, robot… cũng đều dùng chip của Mỹ hoặc có bản quyền của họ. Chúng đủ độ tin cậy và sự chính xác để cầm nắm tính mạng của hàng ngàn con người. Các chip xử lý quan trọng này hầu hết đều có liên kết với hệ thống vệ tinh do Mỹ phát triển để định vị và đảm bảo liên lạc không bị gián đoạn.
Một số chip xử lý còn tinh vi tới mức nếu bạn ăn cắp được kiến trúc lõi, dùng máy móc công nghệ cao để copy, dù bạn có sản xuất ra được đi nữa thì khi vận hành, chương trình cũng nhận ra vi phạm bản quyền phần cứng và nó không hoạt động. Đấy là cách các cty Mỹ liên kết với nhau giữa phần cứng (hardware) và phần mềm (software) để bảo vệ bản quyền của họ trên toàn cầu. Ví dụ đơn giản và dễ thấy là chiếc Iphone. Ai đã từng dùng lâu năm và chịu khám phá, sẽ hiểu điều này.
Tác dụng của chip trong công nghiệp là vậy, đi sâu vào đời sống hơn, ta cùng xem các ông lớn phần mềm & ứng dụng Mỹ có ảnh hưởng tới đâu đối với người dân toàn thế giới?
Bạn là nhân viên văn phòng, bạn không thể thiếu Word, Excel hay PowerPoin bên mình. Bạn là một Designer, bạn không thể thiếu illustrator, Photoshop hay Premier. Bạn là một kiến trúc sư, chẳng lẽ bạn lại không biết tới Sketup, Autocad, 3Dmax hay Lumion? ...
Tất cả những phần mềm giúp ta làm việc hiệu quả ấy đều của Mỹ, chạy trên chip của Mỹ sản xuất hoặc công nghệ Mỹ chuyển giao. Tuyệt nhiên không thể có quốc gia nào khác xen vào. Các ông lớn phần mềm Mỹ như Microsoft, Google, Corel, Adobe, Autodesk,... luôn thống trị thế giới nhiều chục năm nay. Chúng kết hợp với phần cứng rất hiệu quả, dẫn tới công năng hệ thống được tối ưu hoàn toàn.
Nhiều quốc gia cũng đã thử nghiệm phát triển những sản phẩm phần mềm & ứng dụng của họ nhưng hiệu năng hệ thống không hoàn hảo, phát sinh nhiều trục trặc và điều quan trọng là vô cùng đắt đỏ.
Chỉ trừ khi bạn là tay ngang, bạn có thể cầm bất cứ thứ gì để... vừa làm vừa chơi. Nhưng, đối với người chuyên nghiệp, không có sự hiện diện của các phần mềm Mỹ, dự án sẽ đổ bể tới 90%. Đó là điều chắc chắn.
Đối với công cụ thông tin và giải trí, cũng lại là Mỹ, họ chiếm ưu thế cực lớn trên toàn cầu. Chúng ta biết được nhau tại đây, cũng là nhờ họ.
Bạn nghĩ sao khi mua 1 chiếc điện thoại hay máy tính mà nhân viên bán hàng bảo bạn là nó không dùng được G-mail, Youtube, Facebook, G-maps hay Twitter,...? Bạn có mua không?
Với tôi, tôi sẽ chào tạm biệt bởi người bán hàng ấy chẳng biết gì về điện thoại. Không có những thứ ấy, nó không phải là điện thoại. Nó là thứ gì đó vô dụng mà chẳng thể gọi tên. Công cụ giải trí của Mỹ đã định nghĩa lại chiếc điện thoại mà mới cách đây hơn 10 năm, nó chỉ là thứ công cụ để nói chuyện, không có gì thú vị cả.
Đại diện Huawei nói: Không có Android, chúng tôi sẽ làm hệ điều hành. Không có Youtube hay G-mail hoặc G-map, chúng tôi sẽ làm những thứ tương tự...
Nhưng, trong sâu thẳm của một người làm công nghệ, họ thừa biết hàng tỉ người trên thế giới dùng Android, G-search, Youtube, G-mail, G-maps, như những món ăn không thể thiếu hàng ngày. Chính vì quá nhiều người yêu thích nên nó kéo theo các ứng dụng khác vươn lên nhờ hiệu năng quảng cáo và sự liên kết, chia sẻ, tìm kiếm thông minh và cực kỳ tiện lợi.
Không có các công cụ giải trí mạnh mẽ ấy để thu hút người dùng và kéo họ hằng ngày ở trên thiết bị, sẽ chẳng có ai ngó ngàng gì tới hệ điều hành của Huawei. Không ai tiếp cận, tiền đâu, lực đâu để họ phát triển ứng dụng?
Còn các nhà phát triển ứng dụng, họ cũng chả dại gì lao vào chỗ vắng vẻ, không tiền. Hệ điều hành Windows Phone của Microsoft, Tizen của Samsung được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Google mà các nhà phát triển còn chê, còn phải ngậm ngùi bỏ cuộc. Nếu Huawei có hệ điều hành, chỉ có phép màu mới tạo ra được điều kỳ diệu cho họ mà thôi.
Một công ty công nghệ mà cả chip, hệ điều hành, ứng dụng hot đều không thể sở hữu, liệu có thể vươn lên được không!? Nếu không có sự hỗ trợ, chắc chắn, sẽ không bao giờ. Ngay cả trong nước cũng bán không được, nói gì vươn ra thế giới.
Đừng nghĩ Huawei còn thị trường 1,4 tỷ dân trong nước là sống khoẻ nhé, như thế là hoàn toàn sai lầm. Bản Android thương mại không có, chip xử lý lại chậm chạp, thị trường sẽ vào tay Apple, Samsung, hay chính các cty Trung Quốc khác như Oppo, Xiaomi có hệ điều hành ổn định hơn... Đó là điều chắc chắn. Kêu gọi tẩy chay, chỉ có nước dùng cục gạch.
Chính phủ Trung Quốc tuy chặn Google và các ứng dụng của nó nhưng riêng với Android, họ lại cho phép hiện diện. Họ biết không có Andriod hoặc IOS, người dân sẽ không có điện thoại để dùng.
Thị trường trong nước của Huawei cũng không quá mạnh. Họ chỉ chiếm có 22% thị phần, còn lại là các cty khác. Chỉ có 33% tổng số máy xuất xưởng được bán ra tại Đại Lục, HongKong và Đài Loan. Xuất khẩu mới là mục tiêu sống còn của Huawei. Không thu về ngoại tệ, họ sẽ nhanh chóng gục ngã bởi đặc thù của kinh doanh công nghệ (phân khúc cao cấp) là nhập linh kiện bằng USD. Thêm nữa, xuất khẩu tốt, họ sẽ được thêm nhiều ưu đãi từ chính phủ.
Điều thực tế là cho tới giờ này, ngay cả quân đội Trung Quốc vẫn phải dùng Windows mặc dù họ không muốn chút nào. Họ cho rằng xác suất lộ bí mật quân sự của họ là rất cao.
Được chính phủ Trung ương hậu thuẫn, họ vẫn nỗ lực phát triển hệ điều hành của họ cả thập kỷ qua trên nền tảng Linus nhưng giao diện lại giống Windows XP. Nhiều đồn đoán tên của nó là NeoKylin. Nhưng, tới giờ, nó quá cũ kỹ, ít tính năng, dễ bị lỗi, không ổn định và chưa biết đến khi nào mới có thể dùng được.
Chắc chắn là có những thiệt hại ban đầu về thặng dư thương mại bởi Huawei là một ông lớn về xuất khẩu công nghệ cao. Với Trung Quốc, Huawei là một hình mẫu thành công nhất về tổ chức nghiên cứu khoa học (R&D), về mô hình sản xuất và thương mại hóa toàn cầu.
Nhưng, họ sẽ cố gắng lấp ngay khoảng trống của Huawei bằng OPPO và Xiaomi. Những công ty công nghệ này của họ cũng rất mạnh. Doanh số 2018 của họ vô cùng ấn tượng. Lần lượt là 113 triệu máy và 122 triệu máy trên toàn cầu, không kém Huawei bao xa. Họ sẽ nhanh chóng đảm đương nhiệm vụ của Huawei để cân bằng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thiệt hại lớn nhất của Trung Quốc là mất đi vị thế & uy tín của một con rồng châu Á đang vươn lên mạnh mẽ cả về ảnh hưởng chính trị lẫn khoa học kỹ thuật. Chắc rất lâu nữa mới có thể phục hồi.
Sơ lược như vậy để biết rằng muốn có một cty mạnh về thiết bị cầm tay (di động, máy tính,…) thì quốc gia hay doanh nghiệp cần phải có sự phát triển mạnh và đồng bộ cả phần cứng (chip, linh kiện) lẫn phần mềm (ứng dụng). Chúng phải được phối hợp nghiên cứu chặt chẽ với nhau. Không thể mua bán và lắp ráp hời hợt như nhiều người lầm tưởng.
Bài học “công nghệ tay không bắt giặc” của Huawei là bài học để đời cho các cty có ý thức manh nha kinh doanh theo xu hướng này. Huawei sẽ phải bỏ cuộc nếu tình trạng cấm vận công nghệ không nới lỏng. Người khổng lồ của Trung Hoa đang ngấp nghé bờ vực. Muốn vươn lên được, có chăng chỉ là những phép màu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận