Căn nhà nơi 3 mẹ con chị Phúc đang ở nương tựa ông bà nội tại Lạng Sơn |
Côn đồ ngang nhiên vào nhà chém người
Vụ việc xảy ra chiều 24/5/2014. Đã hơn 4 năm, nhưng những hình ảnh về ký ức buổi chiều kinh hoàng đó vẫn ám ảnh chị Trần Thị Hương Phúc (SN 1975, thường trú tại quận Ba Đình, Hà Nội, hiện ở TP Lạng Sơn) và các con.
Khoảng 18h35 chiều hôm ấy, chị Phúc đang nấu ăn trong bếp thì chồng chị là anh Đồng Nguyên Minh (SN 1971) vừa đi họp phụ huynh cho con về đến nhà. Khi anh Minh vừa dắt xe máy vào nhà bất ngờ xuất hiện 3 thanh niên bịt kín mặt ở ngoài xông vào tận trong nhà và vung dao chém tới tấp. Chứng kiến tận mắt hành vi giết người dã man ấy không chỉ có chị Phúc, mà cả 3 đứa con của anh chị. Khi ấy, cháu lớn nhất học lớp 6, nhỏ nhất chưa tròn tuổi đang chập chững tập đi. Quá bất ngờ và hoảng loạn, mọi người chỉ biết gào khóc và quỳ gối van xin nhưng 3 kẻ giết người vẫn không dừng lại mà tiếp tục đâm chém cho đến khi anh gục hẳn xuống nền nhà.
Theo bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, có 5 đối tượng tham gia vụ giết anh Minh gồm: Nông Văn Phòng, Khổng Văn Cường, Đào Thanh Sơn, Trần Quốc Hương, Nguyễn Quang Huy. Ngay sau khi gây án, Phòng và Cường trốn sang Trung Quốc. Sơn, Huy, Hương bị bắt. Cả 3 thừa nhận hành vi phạm tội nhưng đều đổ lỗi cho Phòng - kẻ đã trốn thoát sang Trung Quốc.
Sau đó, chị Phúc đã làm đơn gửi TAND TP Hà Nội và VKSND TP đề nghị trả hồ sơ vụ án cho cơ quan CSĐT điều tra bổ sung vì thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nhưng các đơn này không được xem xét giải quyết.
Ngày 18/6/2015, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên Đào Thanh Sơn án tử hình, Hương mức án 20 năm và Huy mức án 18 năm tù giam. Ngày 17/3/2016, TAND cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm do cả 3 bị cáo đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và có kháng nghị của Viện trưởng VKSND TP Hà Nội đề nghị sửa bản án sơ thẩm, giảm hình phạt tử hình cho bị cáo Đào Thanh Sơn xuống tù chung thân.
Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, lời khai của các bị cáo không thay đổi so với tại phiên toà sơ thẩm. Các bị cáo không đưa ra được bất kỳ nội dung hay chứng cứ nào mới để gỡ tội hay xin giảm nhẹ tội, diễn biến vụ án cũng không có thêm tình tiết mới.
Giai đoạn 1 của vụ án khép lại với việc các bị cáo đều không phải nhận mức án cao nhất. Nhưng gia đình bị hại không chấp nhận và tiếp tục có đơn kiến nghị.
Cho đến hiện tại, các bị cáo và gia đình bị cáo chưa hề bồi thường thiệt hại cho gia đình chị Phúc, cũng không có một lời hỏi thăm hay xin lỗi.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Là người bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho bị hại, luật sư Lê Ngọc Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ được một số vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, đặc biệt, chưa làm rõ được mục đích, động cơ giết người của các bị cáo. Đây là vấn đề pháp lý quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện.
Cũng theo luật sư, việc điều tra chưa đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án hình sự. Cụ thể, bản kết luận điều tra đã chứng minh có 5 đối tượng trực tiếp tham gia giết anh Minh. Các lời khai thể hiện việc giết anh Minh đã có sự bàn bạc, lên kế hoạch kỹ lưỡng, có sự chuẩn bị trước. Tuy nhiên, khi truy tố và xét xử các bị cáo, VKSND và TAND TP Hà Nội lại bỏ sót, không áp dụng tình tiết “phạm tội có tổ chức” là thiếu sót rất lớn.
Bên cạnh đó, việc không áp dụng hình thức tăng nặng “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” là một sai lầm. Vì bản kết luận điều tra, cáo trạng và lời khai của các bị cáo tại toà cho thấy các bị cáo nhiều lần tìm đến tận nhà anh Minh để tìm anh và giết nhưng không gặp. Sau đó, chúng vẫn quyết tâm mai phục, tìm kiếm bằng được anh Minh để giết hại. Đặc biệt, luật sư cho rằng, cơ quan CSĐT chưa làm rõ được có hay không tình tiết “thuê giết người hoặc giết người thuê”. Vì lời khai của các bị cáo cũng như hồ sơ vụ án cho thấy các bị cáo không hề có mâu thuẫn, xích mích gì từ trước với anh Minh.
Nỗi ám ảnh của các con thơ
Chị Phúc nghẹn ngào chia sẻ, trước kia anh Minh là trụ cột, lao động chính kiếm tiền nuôi cả gia đình, còn chị ở nhà nội trợ và chăm sóc con. Nhưng kể từ ngày chồng mất đi, mọi gánh nặng dồn lên vai chị.
Không dám ở lại nơi chất chứa những ám ảnh kinh hoàng, chị Phúc dắt 3 con về nương tựa ông bà nội ở tận Lạng Sơn. Suốt 4 năm qua, trên con đường đi đòi công lý cho chồng, chị Phúc phải gánh gồng bao nhiêu khó khăn, vất vả. Nhưng khó khăn lớn nhất và cũng là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với chị, đó chính là ký ức về cái chết của bố đối với những đứa con. “Tôi nhớ lúc ấy cảnh tượng kinh hoàng lắm, thằng lớn gào khóc trong hoảng loạn. Đến bây giờ, nhiều lúc thằng bé nói “con sẽ trả thù cho bố”, nhưng mọi người phải động viên rằng con không được nghĩ đến chuyện đó nữa, vì việc ấy sẽ có pháp luật phân xử, giải quyết. Còn đứa con gái thứ hai thường hỏi “mẹ ơi, bố bị chém chết mẹ nhỉ? Sao họ lại chém chết bố?”. Mỗi lần nghe con hỏi, tôi lại oà khóc”, chị Phúc khóc nghẹn khi nhắc đến con.
Chị Hải Anh (chị gái nạn nhân) cũng chia sẻ, bố mẹ chị đã già, ông năm nay đã 86 tuổi nhưng ròng rã suốt những năm qua, ông lặn lội, vất vả tìm hiểu pháp luật để đòi công lý cho con trai, đòi phải tìm được kẻ chủ mưu giết con.
Ngày 6/7/2017, Công an Trung Quốc đã bắt được Nông Văn Phòng và Khổng Văn Cường sau nhiều năm trốn truy nã, bàn giao lại cho Công an TP Hà Nội khôi phục điều tra. Giai đoạn 2 của vụ án được mở ra. Ngày 5/7/2018, TAND TP Hà Nội xét xử Phòng và Cường tội Giết người, tuyên án tử hình với cả 2 bị cáo. Sau phiên xử, chị Phúc đã làm đơn kháng cáo do các cơ quan tố tụng chưa tìm ra kẻ cầm đầu, chỉ huy thuê người giết anh Minh, chưa làm rõ động cơ, mục đích giết người của các bị cáo, còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Ngày 29/11 vừa qua, tòa tiếp tục đưa 2 bị cáo Phòng và Cường ra xử phiên phúc thẩm nhưng do luật sư bảo vệ cho bị cáo không tham gia được nên toà đã quyết định hoãn xử, chưa rõ ngày mở lại. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận