Từ ngày 9-11/10, nước lũ dâng làm ngập hàng chục nghìn ngôi nhà ở Thanh Hóa |
Có mặt tại những huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Thạch Thành, Nông Cống, TP. Thanh Hóa… trong những ngày mưa lũ vừa qua ở đâu cũng chỉ nước lũ mênh mông không thấy đường, không thấy ruộng và không thấy nhà đâu. Và những giọt nước mắt lăn dài về một nỗi tuyệt vọng khi lũ đi qua.
Quặn thắt những nỗi đau
Sau 4 ngày chạy lũ, sống vật vờ trên bờ đê, hàng nghìn người dân ở xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đang phải sống dưới “màn trời, chiếu đất” và bị cô lập với bên ngoài. Gia đình ông Vũ Văn Tám (51 tuổi), bà Lưu Thị Đức (48), trú tại thôn Thạch Toàn, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành đang phải trú ngụ dưới mái bạt ở trên mặt đê sông Bưởi.
Ông Vũ Văn Tám ở xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đang dùng bè kết bằng thân cây chuối đi lại trước ngôi nhà bị ngập sát nóc |
Những ngày qua, nước lũ cuồn cuộn đổ về, khiến căn nhà của gia đình ông Tám chỉ còn nhìn thấy mái ngói. Hàng chục con lợn, hàng trăm con gà, vịt của gia đình ông Tám cũng được di chuyển lên đê “tá túc”.
Bần thần nhìn về mái nhà đang bị nước lũ bao vậy, bà Đức phân trần: “Nửa đêm 11/10, lũ sông Bưởi đổ về ầm ầm. Nước lên nhanh quá khiến chúng tôi không kịp trở tay. Đàn lợn của nhà tôi có 53 con, nhưng chỉ kịp cứu 40 con. Còn đàn gà 300 con, cũng chỉ cứu được hơn trăm con thôi. 4 sào dưa lê đang chuẩn bị thu hoạch, 2 ao cá, 2 sào mía đều chìm trong nước lũ. Làm lụng, tích cóp mãi, bỗng dưng bao nhiêu tài sản, công sức trôi sạch theo dòng lũ mất rồi”.
Bà Ngô Thị Nghiệp đang hong thóc bị nước lũ làm ẩm ướt, mọc mầm |
Cách đó không xa, bà Ngô Thị Nghiệp (52 tuổi), ở thôn Thạch An, xã Thạch Định đang tranh thủ phơi những bao thóc đã bị ngập trong nước trên mặt đê bao sông Bưởi ủ rũ: “Lũ về nhanh quá, nhà chỉ có hai bà cháu nên không chạy kịp tài sản và đồ đạc trong nhà. Có 7 tạ thóc, bị nước ngập hai ngày vừa qua, nay lôi ra đem hong cho ráo, nhưng thóc đã nảy mầm rồi, sẽ không ăn được nữa. Lăn ra làm, gom góp, tích cóp được chút ít, rồi lũ về lấy sạch. May mà đêm hôm đó, bà cháu tôi còn kịp chạy thoát thân lên bờ đê, nếu không thì chết cả”.
Vừa dùng những chiếc bè kết tạm chở lợn dưới nước lũ, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1985, ngụ ở thôn Hưng Long, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) tâm sự: Chúng tôi không nghĩ là nước lũ lại về nhanh đến vậy. Trong nhà nuôi 8 con lợn lái giờ phải dùng bè chở nó đi gửi không thì ngập nước chết hết. Cả gia sản vay mượn đầu tư vào 8 con lợn này nếu nó chết thì coi như mất hết tất cả”.
Anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đang dùng bè chở từng con lợn trong nhà bị ngập ra ngoài gửi người thân |
Tính từ ngày 9-11/10, trên địa bàn Thanh Hóa xuất mưa lớn có nơi lượng mưa lên đến 600mm gây ngập lụt trên diện rộng. Qua thống kê, tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 16 người chết, 5 người mất tích và 5 người bị thương do mưa lũ gây ra. Cụ thể như trường hợp của bà Lê Thị Kén (SN 1950, ở xã Hoằng Long, TP.Thanh Hóa) khi đang trên đường sang nhà con gái do nước ngập sâu đã trượt chân ngã xuống mương dẫn tới tử vong. Hay trường hợp anh Vi Văn Chiến (SN 1989, ở xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân) cùng con gái 2 tuổi ngồi trong nhà bất ngờ xảy ra sạt lở đất, sập nhà dẫn tới tử vong. Hoặc vụ việc của ông Ngân Văn Quyên (63 tuổi, ở thôn Tráng, xã Lâm Xa, huyện Bá Thước là thành viên Ban Mặt trận Tổ quốc thôn trên đường đi chống lũ về nhà bị chết do ngã xuống ao. Rồi đến câu chuyện đau lòng hai cán bộ biên phòng đồn Yên Khương bị mất tích do nước lũ cuốn trôi từ hôm 10/10 đến nay chưa tìm thấy…
Gồng mình khắc phục hậu quả
Trước tình hình mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang huy động tối đa công suất các trạm bơm, cống tiêu để tiêu úng. Bộ Chỉ huy quân sự đã điều động hơn 623 cán bộ, chiến sỹ lực lượng thường trực, hơn 8.500 lượt dân quân tự vệ, 770 cán bộ, chiến sỹ lực lượng hiệp đồng (của Bộ Quốc phòng và Quân khu đứng chân trên địa bàn tỉnh), cùng nhiều trang thiết bị để hỗ trợ các địa phương.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh, Cảnh sát PCCC tỉnh cũng đang huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đến hỗ trợ các địa phương trong công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC Thanh Hóa đưa chiếc xe đạp của người dân ra khỏi vùng ngập lụt |
Sở Công thương đã huy động được 1.825 thùng mì tôm, 1.825 kg lương khô, gần 5.500 để cứu trợ kịp thời các hộ dân phải đi sơ tán, cô lập do mưa lũ trên địa bàn huyện Thường Xuân.
Còn Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức phân phối hàng cứu cho người dân các huyện Nông Cống, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Yên Định... với số lượng 10.750 tùng mì tôm, 5.000 chai nước, 18,5 tấn gạo, 1.000 bánh chưng và 1.000 gói bánh. Cùng chia khó với người dân vùng lũ, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội Phật giáo thành phố Thanh Hóa cùng đoàn viên thanh niên, phụ nữ xã tổ chức nấu cơm, cấp phát 2.000 suất ăn mỗi ngày cùng nước sạch tới tận tay nhân dân đang bị nước cô lập do lũ ở xã Thiệu Dương, TP. Thanh Hóa.
Sau khi nước lũ đi qua, lực lượng Công an, chính quyền địa phương đang ra sức giúp dân vét những lớp bùn dày ở nhà và đường đi |
Ngày 15/10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN Thanh Hóa cho biết, đã có tới 28.146 ngôi nhà bị ngập, hàng trăm ngôi nhà bị sập hoàn toàn và sạt lở đất do nước lũ dâng cao. Mưa lũ đã nhấn chìm hàng nghìn ha lúa, cây trồng và hàng trăm nghìn con gia cầm, lợn, bò… bị lũ cuốn trôi. Mặt khác, nhiều tuyến đường như: QL1A, QL47,QL217.QL15, QL16 bị sạt, sa bồi 141.210m3, gây ách tắc giao thông cục bộ trên nhiều vị trí.
Từ ngày 12-15/10, sau khi nước đang rút đi, người dân đang dọn dẹp nhà cửa ổn định cuộc sống thì tin bão số 11 đang tiến vào biển Đông khiến người dân càng thêm lo lắng. Trước tình trạng này, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN yêu cầu các địa phương và các ngành thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão số 11 để chủ động phòng tránh.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu tại nơi tránh trú an toàn. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng và bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ xung yếu, hồ đầy nước. Sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn, kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Video nước lũ làm ngập hơn 2.000 ngôi nhà ở TP. Thanh Hóa:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận